Giải quyết triệt để các vấn đề cuộc sống đặt ra
Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp và bế mạc sáng 18/1.
Thông cáo số 3, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét và thông qua 4 nội dung, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho biết, phiên họp bất thường của Quốc hội được tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề hết sức hệ trọng liên quan quốc kế, dân sinh, những vấn đề không thể nào chậm trễ hơn được. Chính vì thế nên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lần này đã tổ chức đến 5 kỳ họp bất thường.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các nội dung được quyết định tại kỳ họp bất thường lần này đã lan tỏa tinh thần quyết liệt, chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội, đáp ứng được với những phức tạp, đổi thay nhanh chóng của bối cảnh hiện nay.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, sau khi các quyết định đã được ban hành, cần phải triển khai một cách hết sức quyết liệt để lan tỏa nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội vào đời sống xã hội.
Triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống
“Tôi cho rằng để triển khai hiệu quả những kết luận, quyết định quan trọng từ kỳ họp bất thường này, sau khi các quyết định đã ban hành, chúng ta phải triển khai một cách hết sức quyết liệt để tinh thần của Quốc hội được truyền tải vào các hành động của Chính phủ. Nếu làm được như vậy thì những nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội mới có thể được lan tỏa vào trong đời sống xã hội”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Chung nhận định, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hậu Giang cho biết, kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nói riêng và các kỳ họp bất thường trước đó đã chứng minh cho tính đúng đắn, hiệu quả của việc tổ chức các kỳ họp bất thường, qua đó tiếp tục khẳng định Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, giải quyết triệt để các vấn đề cuộc sống đặt ra, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, góp phần quan trọng và tạo cơ sở thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: quochoi.vn) |
Nữ đại biểu nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp; khẳng định sự đổi mới, nâng cao chất lượng cả về chương trình, nội dung và phương thức điều hành của Đoàn Chủ tịch.
Kết quả kỳ họp đã đáp ứng nội dung và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, nghị quyết của Quốc hội.
“Nhìn chung, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp được tiến hành chu đáo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các vướng mắc về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được tháo gỡ một cách kịp thời, triệt để, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt hơn”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu rõ.
Tạo động lực mới cho phát triển từ nguồn lực đất đai
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. (Ảnh: DUY LINH) |
Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đánh giá về đạo luật quan trọng này, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị, cho ý kiến rất công phu, kỹ lưỡng. Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, cụ thể, làm rõ thêm những vấn đề còn chồng chéo, bất cập trước khi biểu quyết thông qua luật.
“Luật Đất đai là luật rất là khó, có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội và tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đó là lý do tại sao chúng ta đã phải thảo luận rất kỹ, thông qua rất nhiều kỳ họp khác nhau và lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Theo đại biểu, luật này cũng sẽ liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, việc sửa các luật khác cũng phải được thực hiện để Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi một cách tốt hơn, khả thi hơn trong thực tiễn.
Cấp sổ đỏ cho công trình xây dựng trước ngày 1/7/2004 không có tranh chấp
Ngoài ra, nhiều dự án hiện nay đang dừng lại vì Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thông qua. Với việc Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua luật, đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thực hiện sớm để tháo gỡ các điểm nghẽn và phát huy được các nguồn lực đang gặp khó khăn trong thời gian vừa qua, đưa các nguồn lực này triển khai sớm trong xã hội, từ đó tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước từ nguồn lực đất đai.
Để luật phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết ban hành, hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, Luật Đất đai (sửa đổi) có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ về mọi mặt. Vì vậy, việc thông qua luật nhận được sự quan tâm, chờ đợi của đông đảo nhân dân và các đối tượng chịu sự tác động.
Để luật sớm được thực thi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định.
Ngoài ra, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như nội dung trọng tâm của luật tới người dân, doanh nghiệp cũng cần phải được tăng cường, đổi mới để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định.