Lan tỏa những hoạt động nghĩa cử

Cứ vào tháng 7 hằng năm, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm thể hiện sự biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước đối với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện. Những hoạt động ý nghĩa này đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tình yêu đất nước, giáo dục và phát huy truyền thống cho các thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, các hộ gia đình có công với cách mạng ở Bình Phước có điều kiện làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, các hộ gia đình có công với cách mạng ở Bình Phước có điều kiện làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vừa qua, các cựu chiến binh là thành viên Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Bù Đăng đã tề tựu tại gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bảy ở thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Về thăm mẹ Bảy, các cựu chiến binh thắp nén nhang thơm tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ là chồng và con của mẹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Vũ Đình Luật, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Bù Đăng cho biết, ngôi nhà của mẹ Bảy từ nhiều năm nay trở thành địa chỉ đỏ của những cựu chiến binh và các tổ chức, các cấp, ngành địa phương.

Ông Luật cho biết thêm, từng là người lính, trở về sau chiến tranh, các cựu chiến binh nhận thức rõ trách nhiệm bản thân, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành địa phương thực hiện tốt công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chính sách người có công. Mọi người đều trân trọng, ghi nhớ công lao những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, từ đó ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bảy sinh năm 1932 tại xã Phú Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hiện mẹ sống cùng con trai út ở thôn 7, xã Bình Minh và được Trung đoàn 719 (Binh đoàn 16) nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Theo ông Trịnh Công Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Minh, xã hiện có 28 gia đình chính sách. Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được xã quan tâm, thực hiện đầy đủ.

Cũng trong tháng 7 này, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước cùng Văn phòng Cơ quan đại diện phía nam (Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam) cùng đại diện chính quyền địa phương tổ chức lễ đưa tiễn liệt sĩ Nguyễn Đa Lạc về quê hương. Đây là liệt sĩ thứ 6 trong năm nay được Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước phối hợp đưa về quê hương.

Gia đình của liệt sĩ Nguyễn Đa Lạc có năm anh em trai đều tham gia chiến đấu trên các chiến trường khác nhau. Trong đó, một người đã nằm lại trong chiến dịch Nguyễn Huệ - Đường 13 năm 1972, người còn lại hy sinh ở Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc và nằm lại ở Vị Xuyên.

Ông Nguyễn Đa Tuyến, em ruột liệt sĩ Nguyễn Đa Lạc xúc động nói: Anh tôi hy sinh đã nhiều thập kỷ nhưng đến nay mới được Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ các cấp và chính quyền các địa phương kết nối, giúp gia đình đón anh trai về quê để hương khói.

Hiện tại, trên địa bàn Bình Phước có năm nghĩa trang với 10.780 mộ liệt sĩ, trong đó có 6.073 mộ liệt sĩ có tên và 4.707 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu đính chính, bổ sung thông tin trên bia cho 20 mộ liệt sĩ còn khuyết, thiếu và sai lệch thông tin; di chuyển hai hài cốt liệt sĩ về quê hương theo nguyện vọng của gia đình; thực hiện gửi mẫu giám định ADN xác định danh tính cho 6/45 trường hợp mộ liệt sĩ khuyết, thiếu thông tin.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước Phạm Thị Mai Hương cho biết, trong sáu tháng đầu năm, bằng ngân sách địa phương và các nguồn vận động trên toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 17 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công với tổng số tiền 1.344 triệu đồng; mua 25.565 thẻ bảo hiểm y tế tặng các đối tượng chính sách, thân nhân người có công và các đối tượng hưởng trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cấp dụng cụ chỉnh hình cho 57 đối tượng thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Các hoạt động tri ân gia đình có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm thường xuyên.

Bình Phước hiện có 28.658 hồ sơ người có công, trong đó có 5.204 hồ sơ hiện đang hưởng hằng tháng và 24.904 hồ sơ hưởng một lần. Bình Phước đang thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động thiết thực chăm sóc đời sống người có công, như: Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng và chăm sóc suốt đời cho 29 người có công (trong đó có 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng hằng tháng từ 300.000 đồng - 2.000.000 đồng/tháng. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự quan tâm, chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân, đến nay các gia đình chính sách, hộ người có công trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo hoặc cận nghèo; tất cả các gia đình chính sách người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư.