Nỗ lực phủ sóng di động trên tuyến biên giới

Nhiều năm qua, xác định việc xây dựng các trạm phát sóng viễn thông (trạm BTS) trên tuyến biên giới có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường kết nối thông tin và bảo đảm an ninh quốc gia, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo thực hiện phủ sóng dọc tuyến biên giới nhằm góp phần xóa các “vùng trũng” sóng viễn thông ở những địa bàn khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh khu vực biên giới được tặng thưởng nhân dịp khánh thành các trạm BTS tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.
Học sinh khu vực biên giới được tặng thưởng nhân dịp khánh thành các trạm BTS tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.

Bình Phước có hơn 258 km đường biên giới với nước bạn Campuchia, trong đó phần lớn là đường sông. Trên tuyến biên giới có 14 xã thuộc 3 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: “Đây là khu vực có địa hình khó khăn, xa xôi, hiểm trở, rừng rậm… khiến việc di chuyển và phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế và giáo dục… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi và khu vực trung tâm. Vài năm trở lại đây, Bình Phước đẩy mạnh mở rộng mạng lưới viễn thông, cung cấp dịch vụ liên lạc ổn định cho người dân khu vực biên giới; đồng thời góp phần hỗ trợ giám sát, bảo vệ biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp”.

Năm 2024, cùng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone), Bình Phước đã đầu tư được 39 trạm BTS dọc tuyến tuần tra biên giới của các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Đến hết quý I/2025, tỉnh tiếp tục hoàn thành thêm 11 trạm BTS, nâng tổng số lên 50 trạm BTS với tổng kinh phí xây dựng khoảng 60 tỷ đồng. Qua đó bảo đảm phủ sóng viễn thông cho đồn biên phòng và các chốt dân quân đạt 96%; phủ sóng 85% khu vực sản xuất, kinh doanh và sinh sống của người dân dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới. Những nỗ lực của Bình Phước đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biên.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, việc phủ sóng di động giúp lực lượng Bộ đội Biên phòng duy trì liên lạc liên tục. Trong những tình huống khẩn cấp hoặc khi xảy ra sự cố, việc chỉ huy, điều động để xử lý các tình huống kịp thời. Sóng di động thông suốt cũng giúp bộ đội phối hợp với các lực lượng khác như công an, hải quan hay cơ quan chính quyền địa phương một cách nhanh chóng, tạo mạng lưới bảo vệ biên giới mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Đồng thời giúp các lực lượng tuyến trên theo dõi và phát hiện các hoạt động buôn lậu, xâm nhập biên giới trái phép hoặc các hành vi tội phạm khác diễn ra ở khu vực biên giới.

Để đạt được kết quả trên, các đơn vị thi công trạm BTS phải vượt qua nhiều gian nan. Bởi khu vực biên giới chủ yếu là đồi núi, nhiều nơi chưa có đường giao thông, gây khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị, vật tư để thi công lắp đặt trạm phát sóng. Mặt khác, xây dựng các trạm BTS trên tuyến biên giới chi phí rất cao. Một số điểm chưa có điện nên các doanh nghiệp viễn thông phải đầu tư thêm nguồn điện mặt trời hoặc máy phát điện, làm tăng chi phí đầu tư và vận hành. Các trạm phát sóng ở khu vực biên giới nằm xa trung tâm, điều kiện đi lại vất vả; vào mùa mưa lũ, việc bảo trì và sửa chữa khi có sự cố gặp nhiều trở ngại. Giám đốc Chi nhánh Viettel Bình Phước Vũ Tuấn Dũng cho biết: “Hiện nay, sóng di động không đơn thuần là vấn đề liên lạc mà còn có nhiều mục đích khác. Ngoài việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, hạ tầng viễn thông trên tuyến biên giới đã giúp nhân dân kết nối với chính quyền số để thực hiện các thủ tục hành chính, chăm sóc sức khỏe y tế và giúp học sinh học trực tuyến, tiếp cận kiến thức. Cùng với đó, sóng 4G, 5G hỗ trợ người dân bán hàng online, thực hiện quá trình mã hóa vùng trồng để khách hàng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp…”.

Sóng di động về biên giới cũng giúp các em học sinh kết nối với nguồn tri thức vô tận, mở ra những cơ hội học tập quý giá; là động lực để học sinh sáng tạo, phát triển bản thân. Em Trần Thị Thùy Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Lộc Ninh (huyện biên giới Lộc Ninh) cho biết: “Từ nay em có thể tham gia các khóa học online, xem video bài giảng và thậm chí tham gia các cuộc thi trực tuyến. Điều này không chỉ giúp mở rộng kiến thức mà còn tạo động lực để chúng em không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập. Các thầy, cô giáo cũng có điều kiện ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, giúp việc học trở nên thú vị, sinh động và hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, chúng em còn có thể kết nối với bạn bè ở xa, cập nhật tin tức và mở rộng hiểu biết về thế giới chung quanh”.

Hiện nay, Bình Phước còn khoảng 10% diện tích biên giới đang cần phủ kín trạm BTS. Đây là những địa bàn có điều kiện hết sức khó khăn và nằm trong vùng lõi rừng già. Do đó, cần sự nỗ lực của các cấp, ngành để mạng lưới di động trên tuyến biên giới thông suốt, liền mạch. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết: Bình Phước đặt mục tiêu trong năm tới sẽ hoàn thiện hạ tầng viễn thông khu vực biên giới nhằm phủ sóng 100% khu vực có đồn biên phòng, chốt dân quân, các khu vực sản xuất, kinh doanh và sinh sống của người dân. Đối với những địa bàn có địa hình phức tạp, sẽ triển khai các giải pháp công nghệ mới như truyền dẫn cáp quang, hệ thống viễn thông vệ tinh. Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ số để hỗ trợ công tác quản lý biên giới, phòng chống buôn lậu, bảo đảm an ninh-quốc phòng; kết hợp xây dựng hạ tầng viễn thông với các dự án phát triển khu kinh tế cửa khẩu, khu dân cư biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.