Lan tỏa giá trị tốt đẹp, truyền thống nhân nghĩa tới cộng đồng

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, với tấm lòng biết ơn vô hạn sự hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện chung tay, góp sức cùng các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chăm lo chu đáo các gia đình liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Tình nguyện viên Nguyễn Thanh Thủy trao tặng ảnh và bản chụp kỷ vật của liệt sĩ Trần Đức Ngạn cho thân nhân.
Tình nguyện viên Nguyễn Thanh Thủy trao tặng ảnh và bản chụp kỷ vật của liệt sĩ Trần Đức Ngạn cho thân nhân.

Ngày 28/1/2024, bà Nguyễn Thị Tý, 88 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình cùng các con cháu đón nhận một tin vui bất ngờ. Đó là sự “trở về” của chồng, cha, ông - liệt sĩ Trần Đức Ngạn - sau hơn nửa thế kỷ hy sinh.

Trước đó, ngày 7/1/2024, anh Lâm Hồng Tiên, một tình nguyện viên tìm kiếm thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên các trang mạng, đã tìm được bản chụp một số giấy tờ quân đội Mỹ thu từ thi thể bộ đội Việt Nam trong chiến tranh, hiện đang lưu tại website Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ), trong đó có giấy chứng minh của liệt sĩ Trần Đức Ngạn, quê quán Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình.

Thông tin từ bản chụp cho thấy: Ngày 19/5/1968, tại khu vực Thượng Đức-Quảng Nam, quân Mỹ thu giữ từ thi thể bộ đội Việt Nam thuộc Trung đoàn 31 Sư đoàn 2, Quân khu 5 một số giấy tờ, trong đó có giấy chứng minh mang tên Trần Đức Ngạn, sinh 1935, quê quán: Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình, do Phó Ty Công an Thái Bình Trần Trung Mật ký ngày 1/1/1966.

Anh Lâm Hồng Tiên đã nhờ chị Nguyễn Thanh Thủy, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình tìm thân nhân và trực tiếp trao tặng gia đình liệt sĩ Trần Đức Ngạn bản chụp giấy chứng minh, trong đó có bức ảnh chân dung liệt sĩ.

Sau khi nhờ chính quyền xác minh thông tin và kết nối với thân nhân liệt sĩ Trần Đức Ngạn, chị Thủy còn nhờ một nhóm bạn trẻ phục dựng bức ảnh chân dung liệt sĩ Trần Đức Ngạn để trao tặng gia đình.

Ngày đón nhận bức ảnh chân dung và bản chụp giấy chứng minh của liệt sĩ Trần Đức Ngạn, cả gia đình bà Nguyễn Thị Tý cùng các con cháu tề tựu đông đủ. Hơn nửa thế kỷ mới được gặp lại chồng qua bức di ảnh, bà Tý rưng rưng ôm bức ảnh chân dung ông vào lòng. Hơn 50 năm qua, bà đã thay ông một mình gánh vác việc gia đình, nuôi dạy năm người con trưởng thành, đến hôm nay bà được đón ông “trở về” đoàn tụ.

Sau 56 năm mới được ngắm nhìn gương mặt thân yêu của cha, bác Trần Thị Chuân, con gái cả liệt sĩ Trần Đức Ngạn xúc động nói: “Bố tôi đi bộ đội năm 1967, hy sinh năm 1968. Khi bố lên đường ra trận, mẹ mới mang thai em trai út được hai tháng, nên bố không biết là con trai hay con gái. Năm đó tôi 11 tuổi, vẫn nhớ bố rất hiền và yêu thương cả bốn chị em gái. Lúc bố hy sinh, không để lại kỷ vật gì, cũng không có tấm ảnh để thờ. Nay được gặp lại bố qua bức ảnh chân dung, xúc động vô cùng. Đây cũng là niềm vui lớn, nguồn động viên tinh thần mẹ tôi lúc cuối đời”.

Bằng những hành động tri ân thiết thực, cụ thể của các tình nguyện viên, kỷ vật của liệt sĩ Trần Đức Ngạn đã trở về bên người thân, mang theo mùa xuân và những hy vọng mới về một cuộc trùng phùng, hội ngộ giữa người ra đi và người ở lại khi gia đình biết thêm thông tin về nơi hy sinh và an táng ban đầu của liệt sĩ. Một cái Tết đoàn viên, ấm áp nghĩa tình đã đến sớm với gia đình liệt sĩ Trần Đức Ngạn.

Chị Nguyễn Thanh Thủy, người có vai trò kết nối thông tin, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ cũng là con liệt sĩ. Liệt sĩ Nguyễn Thanh Toán, cha của chị Thủy, đã hy sinh tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi năm 1969, khi chị mới 5 tháng tuổi.

Trải qua hành trình gian nan 20 năm tìm mộ cha, chị thấu hiểu nỗi lòng của những người con có cha hy sinh ngoài mặt trận và mong muốn chia sẻ, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ tìm được phần mộ người thân. Chị đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ, chụp gần 4.000 bức ảnh bia mộ rồi chuyển tới các tình nguyện viên trong cả nước. Tại quê nhà, chị đã kết nối, báo tin cho gần 100 gia đình liệt sĩ, hỗ trợ thủ tục đưa sáu hài cốt liệt sĩ về quê cha đất tổ và hiện đang hỗ trợ một số gia đình liệt sĩ khác, trong đó có gia đình liệt sĩ Trần Minh Phán, ở xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình.

Khi đến thăm gia đình liệt sĩ Trần Minh Phán, chị Thủy biết được hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cùng với việc hỗ trợ làm thủ tục đính chính thông tin liệt sĩ, chị còn vận động người thân, bạn bè, giúp đỡ thân nhân liệt sĩ tu sửa nhà, sắm sửa đồ dùng thiết yếu. Qua sự kết nối của chị Thủy, chị Ngô Nhung Anh và nhóm Việt kiều Australia đã gửi tặng gia đình liệt sĩ Trần Minh Phán một phần quà Tết gồm ba triệu đồng, một chăn lông cừu và một bao gạo. Nhóm hỗ trợ cũng hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ gia đình đưa đón hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Càng những ngày cận kề Tết, các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách, người có công diễn ra liên tục ở khắp các địa phương. Bên cạnh đó, những hoạt động tri ân của thế hệ trẻ cũng lan tỏa khắp nơi. Nhóm tình nguyện Team Lee gồm 12 bạn trẻ thế hệ 8X, 9X đã thực hiện dự án “Tết liệt sĩ”, phục dựng hơn 100 bức ảnh chân dung liệt sĩ chỉ trong vòng ba tuần để trao tặng các gia đình liệt sĩ.

Anh Lê Quyết Thắng, trưởng nhóm Team Lee chia sẻ, Tết là dịp ai cũng mong được trở về nhà, được sum họp cùng gia đình, với các liệt sĩ cũng vậy. Từ suy nghĩ ấy, anh đã cùng những người bạn trong nhóm Team Lee thực hiện dự án “Tết liệt sĩ” để tri ân các liệt sĩ và mang niềm vui đoàn tụ đến với các gia đình liệt sĩ. Bạn trẻ Phùng Quang Trung cho biết, nhiều đêm các anh phải thức trắng để làm cho kịp tiến độ. Có những bức ảnh chân dung liệt sĩ rất khó thực hiện vì không có ảnh gốc mà được dựng theo trí tưởng tượng của thân nhân liệt sĩ, các đường nét trên khuôn mặt phải chỉnh sửa nhiều lần sao cho giống với liệt sĩ nhất.

Tại Hải Dương, cùng với việc phối hợp nhóm tình nguyện Team Lee phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ để trao tặng các gia đình liệt sĩ, các đoàn viên thanh niên còn tự tay chuẩn bị những bữa cơm đoàn viên mang đến niềm vui, tình cảm ấm áp đến thân nhân liệt sĩ.

Những ngày này, ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, đâu đâu cũng có bóng áo xanh tình nguyện dọn cỏ, nhặt rác, vệ sinh, chỉnh trang khu mộ, thắp nến, dâng hương hoa lên các phần mộ liệt sĩ.

Những hành động tri ân thiết thực, những món quà nhân văn, ý nghĩa của những người trẻ tình nguyện đã mang mùa xuân của niềm tin yêu, hy vọng, ấm áp nghĩa tình đến với các gia đình liệt sĩ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền thống nhân nghĩa tới cộng đồng.