Làn sóng di cư ở châu Mỹ chưa hạ nhiệt

Tính từ đầu năm 2023, hơn 100.000 người đã băng qua “khu rừng chết chóc” Darien Gap giữa Panama và Colombia để tìm đến Mỹ, tăng gấp sáu lần so với mức cùng kỳ năm 2022. Dù luôn là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của Mỹ và các nước trong khu vực nhưng bài toán di cư ở châu Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Hàng loạt số liệu đáng báo động liên quan người di cư Trung Mỹ, nhất là trẻ em, được công bố những ngày qua. Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, số trẻ vị thành niên vượt qua Darien Gap trong hai tháng đầu năm 2023 vào khoảng 9.700 trẻ, cao gấp bảy lần cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cảnh báo, số người di cư băng qua khu rừng rậm Darien Gap tăng cao một cách đáng lo ngại, với hơn 100.000 người di cư qua tuyến đường này tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Những người di cư chủ yếu đến từ Venezuela, Ecuador và Haiti, ngoài ra có một số người đến từ các nước châu Á và châu Phi. Cách đây không lâu, nhà chức trách Mexico thông báo, trong quý I/2023, các lực lượng nước này đã giải cứu hơn 34.000 trẻ em nước ngoài không có giấy tờ tùy thân đang quá cảnh tại Mexico để tìm đường di cư bất hợp pháp sang Mỹ. Số trẻ em này đã được đưa tới các trung tâm chăm sóc trẻ em ở Mexico.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng trẻ em di cư gia tăng ở khu vực Trung Mỹ, chủ yếu là do sự bất bình đẳng tăng cao tại đất nước mà các em rời đi, cũng như tình trạng thất học sau đại dịch Covid-19. Ít nhất 200 trẻ đã liều lĩnh tìm cách băng qua rừng rậm Darien Gap một mình trong hai tháng đầu năm nay, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Giới chuyên gia lo ngại rằng, nhóm trẻ này không có người lớn đi kèm nên có nguy cơ cao rơi vào mạng lưới của những kẻ buôn người. Do không có người giám sát, những trẻ em này cũng rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực, bóc lột, lao động trẻ em và nhiều hành vi lạm dụng khác.

Vấn đề di cư là một chủ đề nóng mà các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Ibero-American được tổ chức ở Cộng hòa Dominica gần đây tập trung bàn thảo.

Ðại diện các nước tham dự hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác về vấn đề di cư, trong bối cảnh hàng nghìn người rời khỏi các nước Mỹ Latin để đến biên giới Mỹ do khó khăn kinh tế, bạo lực và nhiều thách thức khác.

Tổng thống Chile Gabriel Boric khẳng định, quản lý di cư hiện là một trong những thách thức lớn nhất của khu vực, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, có trách nhiệm giữa các quốc gia có người di cư xuất phát, quá cảnh và các quốc gia điểm đến.ư

Làn sóng người di cư ồ ạt kéo đến Mỹ đang gây áp lực lớn cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh ông Biden có ý định tái tranh cử chức tổng thống vào năm 2024. Gần đây, chính phủ Mỹ siết chặt các quy định về tiếp nhận người di cư, dẫn đến tình trạng số người di cư từ các nước Trung Mỹ bị kẹt tại thành phố Ciudad Juarez của Mexico ngày càng tăng cao.

Theo IOM, chỉ tính riêng năm 2022, khoảng 2,7 triệu người di cư không có giấy tờ tùy thân đã bị giữ lại khu vực biên giới Mexico-Mỹ. Những cơ sở lưu trú cho người di cư ở khu vực biên giới này thường xuyên chật kín người đang chờ cơ hội để vượt biên trái phép hoặc chờ phê duyệt đơn xin tị nạn ở Mỹ.

Một sự việc đau lòng đã xảy ra gần đây tại tòa nhà Viện Di cư quốc gia ở thành phố Ciudad Juarez của Mexico, khi ít nhất 39 người di cư thiệt mạng và 29 người bị thương trong một vụ hỏa hoạn xảy ra ở tòa nhà này.

Việc di cư trái phép, nếu không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà cái giá đắt nhất chính là mạng sống của những người di cư.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Bất chấp hàng loạt mối đe dọa đến từ các băng nhóm tội phạm, bệnh tật, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt…, dòng người di cư vẫn liều lĩnh băng qua các tuyến đường nguy hiểm để tìm đến Mỹ.

Ðể giải quyết tận gốc rễ vấn đề di cư còn cần nhiều thời gian, công sức nhưng trước mắt, các nước trong khu vực cần phối hợp quản lý hiệu quả các dòng người di cư. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, việc di cư trái phép, nếu không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà cái giá đắt nhất chính là mạng sống của những người di cư.