Lần đầu tiên ghi nhận loài tinh tinh lùn chăm sóc con nuôi

NDO -

Các loài động vật trên thế giới đều có bản năng nuôi dạy con, nhưng việc nhận con nuôi thì khá hiếm, đặc biệt là khi những con non được nhận nuôi không cùng dòng giống. Các nhà nghiên cứu vừa chứng kiến những con vượn bonobo (tinh tinh lùn) nhận chăm sóc con nuôi không thuộc cộng đồng của chúng.

Tinh tinh lùn mẹ tên là Marie (trái) và con nuôi Flora (phải) đã được nó nhận nuôi khi còn là một con tinh tinh lùn mồ côi mới nhập đàn. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama.
Tinh tinh lùn mẹ tên là Marie (trái) và con nuôi Flora (phải) đã được nó nhận nuôi khi còn là một con tinh tinh lùn mồ côi mới nhập đàn. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama.

Theo nghiên cứu vừa được đăng tải ngày 18-3 trên tạp chí Scientific Reports, hai con cái, mỗi con thuộc một đàn tinh tinh lùn bonobo khác nhau, trong Khu bảo tồn Khoa học Luo ở Congo đã chăm sóc cho những con tinh tinh lùn mồ côi khác đàn, chải lông cho chúng, bế chúng và cung cấp thức ăn trong ít nhất một năm.

Trước đây, từng có hai trường hợp nhận con nuôi được biết đến ở các loài linh trưởng, nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này được quan sát thấy ở loài vượn lớn.

Lần đầu tiên ghi nhận loài tinh tinh lùn chăm sóc con nuôi -0
Tinh tinh lùn mồ côi Flora đang bú mẹ nuôi Marie trong khi hai con đẻ của Mari đang chơi ở phía bên trái. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama.

Một tinh tinh lùn mẹ tên là Marie có hai con con đã nhận nuôi thêm con tinh tinh lùn mồ côi Flora. Chú tinh tinh lùn mồ côi thuộc một đàn khác, có các đặc điểm khuôn mặt và màu sắc khác. Marie đã bế và cho Flora bú cùng con tinh tinh lùn còn nhỏ của mình và chăm sóc cho cả ba đứa con.

Lần đầu tiên ghi nhận loài tinh tinh lùn chăm sóc con nuôi -0
Con tinh tinh lùn bonobo được nhận nuôi tên là Flora (nằm dưới) chơi với một trong những đứa con ruột của mẹ nuôi. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama.

Tiến sĩ Nahoko Tokuyama, nhà động vật học tại Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết: “Tinh tinh lùn mẹ có vẻ rất mệt mỏi, nhưng là một người mẹ tuyệt vời”. Cô Tokuyama cho biết, đôi khi Marie ưu ái con cái của mình, chải chuốt cho chúng thường xuyên hơn Flora.

Tiến sĩ Tokuyama và các đồng nghiệp của cô cũng ghi nhận một con tinh tinh lùn bonobo cái có tên là Chio, khoảng ngoài 50 tuổi, đã nhận nuôi một tinh tinh lùn non mồ côi trong đàn có tên là Ruby. Mặc dù Chio không tiết sữa, nhưng vẫn cho Ruby bú.

Lần đầu tiên ghi nhận loài tinh tinh lùn chăm sóc con nuôi -0

Mẹ nuôi Chio và con tinh tinh lùn mồ côi Ruby cùng ăn trái Dialium từ cành mà Chio đã bẻ và đang cầm. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama. 

Một phân tích di truyền cho thấy cả hai con tinh tinh lùn mồ côi đều không có quan hệ huyết thống với bất kỳ con tinh tinh lùn cái nào trong đàn.

Nhà linh trưởng học Cat Hobaiter, Đại học St. Andrews ở Scotland, người không tham gia nghiên cứu, cho biết, loài tinh tinh nói chung có thể nhận nuôi anh chị em ruột và những đứa trẻ mồ côi không có quan hệ huyết thống với chúng. Nhưng tinh tinh lùn bonobo là họ hàng tiến hóa sống sót gần nhất với con người, có thể thù địch với tinh tinh lùn sơ sinh không cùng đàn và thậm chí giết chúng.

Bà Hobaiter cho rằng, hành động nuôi con nuôi này thực sự có ý nghĩa. Không giống như loài tinh tinh, tinh tinh lùn bonobo vốn bao dung và thường tìm kiếm cơ hội để tương tác với các thành viên của các đàn khác.

Lần đầu tiên ghi nhận loài tinh tinh lùn chăm sóc con nuôi -0
Bonobo mẹ tên là Marie cùng hai con ruột 5 tuổi và 2 tuổi, và con nuôi Flora gần 3 tuổi. Ảnh: Tiến sĩ Nahoko Tokuyama.

Còn Tiến sĩ Tokuyama cho rằng, việc chăm sóc con nuôi có thể xuất phát từ bản chất của loài bonobo, chúng có sự đồng cảm, khoan dung và xu hướng hành vi có lợi cho đồng loại.

Giáo sư Klaree Boose, một nhà linh trưởng học tại Đại học Oregon, người không tham gia nghiên cứu, cho biết hành vi như vậy có thể được đền đáp.

“Nó giống như việc không cần mang thai nhưng chúng vẫn có được người thân”, cô nói. Trong xã hội vượn bonobo, con bonobo cái thường giữ những cấp bậc cao nhất, những con bonobo trẻ có thể vẫn là đồng minh ngay cả sau khi gia nhập đàn khác, chúng vẫn giúp đỡ mẹ nuôi của mình.

Nhưng các nhà nghiên cứu sẽ phải chờ để chứng kiến lòng trung thành của những chú tinh tinh lùn bonobo được nhận nuôi.