Làm xanh những con kênh đen

Bài 2: Nỗ lực xanh hóa những dòng kênh

Cùng với chủ trương thực hiện giải tỏa nhà trên và ven kênh, rạch, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực đầu tư hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải nhằm xanh hóa những dòng kênh, góp phần mang lại môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng dân cư, xây dựng bộ mặt đô thị sạch, xanh.

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km được kỳ vọng hồi sinh khi thành phố triển khai dự án cải tạo và chỉnh trang bờ kênh.
Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km được kỳ vọng hồi sinh khi thành phố triển khai dự án cải tạo và chỉnh trang bờ kênh.

Tỷ lệ xử lý nước thải rất thấp

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị của thành phố mới chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt. Nguyên nhân tỷ lệ thấp là do số nhà máy xử lý nước thải đi vào vận hành chỉ đếm trên đầu ngón tay so với nhu cầu thực tế.

Cụ thể, thành phố đã xây dựng hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng, Nhà máy Bình Hưng Hòa và Nhà máy Tham Lương-Bến Cát, tuy nhiên, hiện nay mới đưa vào vận hành hai nhà máy, gồm Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 1 công suất 141.000m3/ngày, Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày và một phần công suất Nhà máy Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày/131.000m3/ngày) có tổng công suất xử lý 186.000m3/ngày.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối những năm 90 thế kỷ trước đến đầu những năm 2000, thành phố bắt đầu tiến hành cải tạo, xử lý kênh, rạch ô nhiễm. Điển hình là hai dự án: Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), Cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm từ nguồn vốn vay của Bỉ.

Hai dự án này đã hoàn thành, giúp chỉnh trang đô thị và xử lý ô nhiễm kênh, rạch nhưng việc xử lý triệt để nguồn nước thải ô nhiễm vẫn chưa đạt yêu cầu tuyệt đối. Trong đó, nước thải được thu gom ở cuối kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sau đó bơm nước thải chưa xử lý xả ra sông Sài Gòn để “pha loãng”, mà muốn xử lý lượng nước thải này còn phải chờ thành phố xây dựng xong Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức thì mới có thể coi là triệt để.

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng) nhận định: Nếu công tác giải tỏa nhà trên kênh, rạch và chỉnh trang đô thị cần nguồn vốn đầu tư rất lớn thì khâu thu gom, xử lý nước thải lại cần đến yếu tố thi công, kỹ thuật và giải pháp thực hiện.

Đơn cử, dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng phải thi công mất khoảng 10 năm, trong đó việc thi công 30km cống bao để thu gom nước thải từ hệ tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé về nhà máy phải đi ngầm rất phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay giai đoạn 1 của nhà máy mới thu gom nước thải, phục vụ cho 2 triệu dân thành phố.

Nhà máy đang được nâng công suất lên 469.000m3/ngày- giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt đối với chất lượng dòng kênh Tàu Hủ-Bến Nghé như mầu xanh dòng kênh được khôi phục trở lại, mùi hôi sẽ giảm.

“Một dự án xử lý môi trường muốn phát huy hiệu quả thật sự phải được triển khai đồng bộ gồm xây dựng hệ thống thu gom nước thải, cải tạo kè bờ-chỉnh trang đô thị, tái định cư để người dân ổn định cuộc sống”, ông Phúc chia sẻ.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè (480.000m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương-Bến Cát phát huy công suất của Nhà máy Tham Lương-Bến Cát (131.000m3/ngày), kỳ vọng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 77,48%.

Tạo môi trường sống xanh, phát triển giao thông thủy

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên có chiều dài gần 32km, một tuyến kênh dài nhất thành phố, được xem là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 vừa được khởi công xây dựng. Dự án này đi qua bảy quận-huyện, giúp chỉnh trang đô thị, cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải, tạo hành lang ven kênh cho gần 3.500 hộ dân sống hai bên bờ.

Đại diện đơn vị chủ đầu tư thực hiện dự án này cho hay, cùng với việc cải tạo và chỉnh trang bờ kênh có chiều dài 32km, giai đoạn xử lý nguồn nước thải là rất quan trọng.

Theo đó, chủ đầu tư sẽ triển khai song song hai dự án lớn. Cụ thể là dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên và dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn nhằm thu gom, xử lý nguồn nước thải từ các cống, kênh nhánh đổ ra kênh.

Toàn bộ hệ thống nước thải thu gom sẽ đưa về hai nhà máy xử lý tại quận 12 và quận Bình Tân. Ngoài ra, sẽ xây dựng hai cống ngăn triều ở hai đầu và cuối kênh (cống rạch Nước Lên và cống Vàm Thuật) với mục đích xử lý sự cố khi nguồn nước bị ô nhiễm.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường đánh giá: Dù thực hiện muộn nhưng việc thành phố tiến hành cải tạo và xử ý ô nhiễm môi trường ở tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên là điều người dân mong chờ bấy lâu nay.

Tuyến kênh này vốn ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối suốt thời gian qua, tập trung từ Khu công nghiệp Tân Bình đến khu dệt nhuộm, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 với rất nhiều cơ sở sản xuất. Nước thải ra kênh phần lớn pha lẫn kim loại nặng và hóa chất tẩy rửa trong sản xuất được tập hợp về đây mà chưa qua xử lý. Theo TS Thuận, để có giải pháp hữu hiện thì ngay từ bây giờ, trong quá trình xây dựng, đơn vị thực hiện dự án phải tách được dòng chảy từ các khu công nghiệp đấu nối ra kênh, các cửa xả khu dân cư lớn cũng phải tập trung rồi xả ra kênh.

Tuyệt đối không cho đấu nối tự phát nhằm tạo cơ chế quản lý dòng thải sau này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm dòng kênh và xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm sau khi hoàn thành, thì mới kỳ vọng hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp. Đó cũng chính là ước mơ của hàng triệu người dân thành phố.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Tuấn, trong những năm qua, thành phố đã quyết tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh, rạch, nhờ đó mức độ ô nhiễm được cải thiện, khống chế không để tăng ô nhiễm quá mức kiểm soát.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm kênh, rạch hiện nay vẫn là thực trạng đáng báo động, khiến thành phố đang lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên. Với lợi thế nhiều tuyến kênh, rạch chảy dọc thành phố, nếu bảo vệ nguồn nước xanh, sạch, chúng ta sẽ góp phần tạo ra các tiện ích khác cho người dân và cộng đồng như điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan sạch đẹp, tổ chức các hoạt động giải trí, thể dục thể thao; đồng thời việc tăng cường hoạt động giao thông thủy như phát triển du lịch đường sông, tạo ra giá trị về kinh tế-xã hội.

Bài 1: Những dòng kênh “chết”