Làm tranh từ vải vụn

NDO - Từ những mảnh vải vụn tưởng chừng bỏ đi, nhóm bạn trẻ thuộc Dự án 4V-For Vải For Vietnam đã sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, gói gọn quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô trong triển lãm tranh “Lớp lớp Hà Nội”.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Dưới cầu, trên mái” của họa sĩ Tein (Tiên).
Tác phẩm “Dưới cầu, trên mái” của họa sĩ Tein (Tiên).

Đây là ý tưởng của nhóm sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ý tưởng này đã dành được vị trí quán quân tại Chương trình ASEAN Social Impact Program 2023 do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.

Bằng việc tái chế khoảng 100kg vải vụn, vải thừa từ các nhà may tư nhân nhỏ, lẻ và biến chúng trở thành những khung tranh nhiều màu sắc, dự án 4V-For Vải For Vietnam hướng tới việc giảm thiểu rác thải trong ngành may mặc nước ta.

Với chủ đề "Lớp lớp Hà Nội", các tác phẩm trong triển lãm khắc họa những nét kiến trúc, vẻ đẹp về văn hóa và con người Thủ đô dưới lăng kính vừa thân thuộc, vừa mới mẻ. Mỗi bức tranh chứa đựng một góc nhìn riêng biệt, được phản ánh bằng cảm nhận của những họa sĩ trẻ trên chất liệu độc đáo. Chúng đan xen giữa nhịp sống xưa và nay, gợi mở người xem thưởng thức một cách chậm rãi, theo từng lớp một.

Họa sĩ Vũ Ngọc Long, Giám đốc Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền đánh giá: “Bản thân những mảnh vải vụn khi được khéo léo sắp đặt trên khung tranh thì tự khắc đã là một tác phẩm đặc biệt. Mục đích mà triển lãm hướng đến rất thiết thực. Tôi hy vọng các bạn sinh viên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động nghệ thuật ý nghĩa cho cộng đồng”.

Thông điệp của dự án cũng chạm đến tính bền vững của nghệ thuật. Kể từ khi vấn đề biến đổi khí hậu được quan tâm dưới khía cạnh xã hội, nghệ thuật bền vững đã trở thành tâm điểm tại nhiều cuộc luận bàn trên thế giới. Dần dần, xu hướng này thu hút nhiều tác giả khám phá bằng cả phương thức phản ánh truyền thống lẫn hiện đại.

Tại Việt Nam, xu hướng sáng tạo nghệ thuật theo hướng bền vững ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Thông qua quá trình thực hành hội họa trên các chất liệu thân thiện với môi trường, các tác phẩm không chỉ hấp dẫn công chúng bằng qua vẻ ngoài đa dạng mà còn ghi dấu ấn bằng bởi nội dung sâu sắc.

Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang cho rằng, dự án 4V của các bạn trẻ đã mang đến một đặc trưng về chất liệu. Sự phối hợp giữa các họa tiết hay những tính chất như độ cứng, mềm, nhẵn, bóng,… của vải đã tạo ra sức sáng tạo vô tận, thôi thúc các họa sĩ gửi gắm những thông điệp về bảo vệ môi trường.

Được biết, 70% lợi nhuận thu được từ hoạt động bán, đấu giá tranh và tổ chức workshop của dự án sẽ được quyên góp để trồng cây tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; 30% còn lại sẽ gửi cho các tác giả trẻ để phát triển hoạt động cá nhân.