BÀ Nguyễn Thị Sâm, đại diện cho hàng trăm nhân khẩu trú tại tổ dân phố Nguyên Xá, Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khiếu nại việc đền bù hỗ trợ, thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng cơ sở 1 của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đối với các hộ dân không hợp lý, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.
Trong đơn, bà Sâm nêu rõ: "Việc thu hồi đất của các hộ dân để mở rộng Trường đại học Công nghiệp là thiếu cơ sở pháp lý, chưa cung cấp đủ tài liệu liên quan khi các hộ dân bị thu hồi đất. Mặt khác, giá bồi thường khi thu hồi đất theo giá 201.600đồng/m2 đất là quá thấp, không phù hợp thời giá hiện hành…".
Cũng liên quan vấn đề thu hồi đất, từ năm 2014, đại diện các hộ dân trú tại thôn Song Khê, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang), tố cáo Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang có hành vi làm trái quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất tại xã Song Khê để xây dựng khu dân cư thôn Song Khê, xã Song Khê.
Cụ thể, Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 và Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 thu hồi đất là trái quy định theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Qua nhiều năm giải quyết với các cấp khác nhau, đến năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Thông báo số 188/TB-UBND thông báo bổ sung kết quả giải quyết tố cáo việc thu hồi đất tại xã Song Khê.
Trong đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan trong việc ký các quyết định thu hồi đất nông nghiệp không đúng quy định; ký văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để thu hồi đất ở kinh doanh dịch vụ không đúng nhu cầu thực tế; tham mưu ban hành các quyết định thu hồi đất trồng lúa không đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, tính toán nhu cầu đất ở kinh doanh dịch vụ không sát thực tế. Tuy nhiên đến nay, người dân thôn Song Khê vẫn tiếp tục khiếu nại các vấn đề liên quan vụ việc này.
Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ việc liên quan khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Thực tế cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều nơi đã trở thành "điểm nóng".
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu do cơ chế, chính sách, quy định về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp thực tế, chưa bảo đảm đúng lợi ích của những người bị thu hồi đất. Việc ban hành văn bản pháp luật về đất đai thiếu đồng bộ và còn chồng chéo. Quy định về giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai, Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính còn chưa rõ ràng.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư với người bị thu hồi đất, chưa làm tốt công tác tái định cư, không có phương án tích cực về giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Việc quy định giá đất chưa sát với giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường gây ra những phản ứng gay gắt của những người có đất bị thu hồi. Đặc biệt công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hồ sơ địa chính chưa được quan tâm đúng mức, chưa đầy đủ.
Hệ thống thông tin địa chính chưa bảo đảm quản lý chặt chẽ đối với từng thửa đất. Việc giao đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng, giao sai diện tích, vị trí, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và trong một số trường hợp không chính xác. Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng tiến độ, không đầu tư theo dự án mà chỉ chờ chuyển nhượng kiếm chênh lệch giá đã ít được phát hiện và xử lý kịp thời.
Việc kiểm tra, thanh tra thực hiện chế độ công vụ và xử lý những vi phạm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý và sử dụng đất đai chưa thực hiện tốt. Mặt khác, việc phối hợp giải quyết khiếu nại về đất đai giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm, có nhiều vụ việc còn có ý kiến khác nhau làm cho công dân khiếu kiện dai dẳng.
Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, lại bị lôi kéo, kích động nên khiếu kiện gay gắt đối với những trường hợp đã được giải quyết đúng pháp luật. Một số trường hợp lợi dụng việc khiếu nại để kéo dài thời gian, không chấp hành quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật.
Thời gian qua, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến nhằm hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng lợi ích nhân dân, tạo không gian nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, trong quá trình sửa đổi hoàn thiện Luật Đất đai, cùng với các vấn đề được đề cập trong dự thảo luật, cần đặc biệt quan tâm và quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc thu hồi đất và chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong việc thu hồi đất, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Cùng với đó, cần có quy định rõ ràng, cụ thể nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai, nhất là về thẩm quyền và thời hạn giải quyết. Đồng thời khắc phục tình trạng cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm nhưng không giải quyết, dẫn tới khiếu nại vượt cấp.
Những vụ việc đã được các cơ quan hành chính hoặc tòa án giải quyết đúng pháp luật và phù hợp thực tế mà người khiếu nại vẫn không đồng ý thì tổ chức đối thoại để vận động, thuyết phục người khiếu nại chấp hành.
Ngoài ra, cần phân định rạch ròi trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc bảo đảm ổn định cuộc sống người dân trong quá trình thu hồi đất. Đặc biệt, cần coi trọng công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân trong quá trình giải quyết khiếu nại để qua đó nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải thích chính sách cho nhân dân hiểu và kịp thời tiếp thu, xử lý những sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thực hiện nhiệm vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết để kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác; đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, nhằm giảm các khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở...