Qua nghe các Đại sứ báo cáo về công tác của Đại sứ quán, công tác bảo hộ công dân tại các nước, tình hình quan hệ Việt Nam với các nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương các Đại sứ cùng cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đã nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, triển khai toàn diện và hiệu quả các trọng tâm đối ngoại và công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều kết quả tích cực.
Các Đại sứ quán đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như quan hệ với các nước bạn bè hữu nghị truyền thống là Bulgaria, Séc, Hungari, Rumani, Slovakia, Hy Lạp, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Quốc hội thông tin về tình hình đất nước đặc biệt là công tác đối ngoại năm nay đặc biệt sôi động, hiệu quả và nhiều dấu ấn trong đó Quốc hội Việt Nam đã đón nhiều Đoàn nghị sĩ, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp các nước châu Âu và nhiều đối tác quốc tế khác.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, thu hút sự tham dự của hơn 300 nghị sĩ từ khoảng 70 nghị viện các nước thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới.
Nhấn mạnh châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Đại sứ và cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán tại các nước tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (tháng 12/2022), triển khai mạnh mẽ và toàn diện các văn kiện lớn mang tính định hướng trong lĩnh vực đối ngoại như Nghị quyết 34-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, các hoạt động đối ngoại phải kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và giao lưu nhân dân.
Trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh, khó lường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đại diện phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong việc góp phần nâng cao vị thế đối ngoại, bảo đảm môi trường hòa bình và tận dụng các nguồn lực bên ngoài phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước.
Quang cảnh buổi gặp các Đại sứ Việt Nam tại một số nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo, nghiên cứu chiến lược và liên tục đổi mới tư duy để thích ứng kịp thời với tình hình, bắt kịp xu thế mới, phục vụ cho công tác tham mưu và đề xuất chủ trương, chính sách cho Đảng và Nhà nước; triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, tuyên truyền đối ngoại và công tác cộng đồng, thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước nói riêng và EU nói chung trên mọi lĩnh vực.
Trước tiên về chính trị ngoại giao, cần phát huy nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp để tăng cường tin cậy chính trị thông qua thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, các ngành, trên tất cả các kênh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thế giới đang trong giai đoạn tái cơ cấu thương mại và đầu tư, đòi hỏi các nước phải hợp tác với nhau, vừa duy trì, củng cố các chuỗi cung ứng hiện có vừa phát triển các chuỗi cung ứng mới, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU tuy đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ kể từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được phê chuẩn, nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ cần đặc biệt chú trọng công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy việc các nước còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở các lĩnh vực hợp tác trọng điểm cần tích cực thúc đẩy giữa Việt Nam và các nước EU, đặc biệt các nước Đông Nam Âu trong thời gian tới như lĩnh vực lao động, nông sản, công nghệ thông tin và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Về cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là cộng đồng lớn và phân bố rộng khắp, với nhiều tổ chức hội đoàn, đa dạng, phong phú và luôn đoàn kết, yêu nước, luôn hướng về quê hương đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chụp ảnh chung với các Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, Séc, Romania, Slovakia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Do đó, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân cần được các Đại sứ và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu quan tâm sát sao, ưu tiên và triển khai chủ động hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới: “Đại sứ quán là “mái nhà chung” của đồng bào ta ở sở tại”.
Cùng với đó, cần khơi dậy và tập hợp mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực to lớn của kiều bào, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng đoàn kết, phát triển vững mạnh, luôn hướng về quê hương đất nước, đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về phần mình, tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Đại sứ nêu rõ sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.