Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz bắt đầu thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đức trong 10 năm qua, nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước bước sang giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Ðức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Ðức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ 4 thế giới về GDP, là thành viên tích cực và có vai trò quan trọng tại các tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), NATO, G7, G20... Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới về viện trợ phát triển chính thức (ODA). Số đối tác nhận ODA của Đức gồm khoảng 70 nước và mỗi năm Đức luôn dành trung bình hơn 0,5% GDP cho viện trợ phát triển. Đức là một trong những nước đi đầu thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều nỗ lực cải tiến sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập cơ chế đối thoại lý luận cấp cao với Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Đảng Cánh tả.

Tháng 3/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và giữa Đảng ta với Đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức đang phát triển tốt đẹp. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của nước ta sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á.

Đức đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt hơn 11 tỷ USD, trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt gần 7,3 tỷ USD. Tính đến đầu năm nay, Đức có 417 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,29 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các quốc gia EU đầu tư tại Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp ODA trị giá hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 của Đức, ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế. Chính phủ Đức tiếp tục cam kết vốn ODA cho Việt Nam trị giá hơn 143,5 triệu euro trong giai đoạn 2022-2023. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ Việt Nam hơn 10 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cùng nhiều thiết bị y tế.

Hợp tác song phương trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, tư pháp, y tế, khoa học-công nghệ, hợp tác địa phương có nhiều dấu ấn. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương khác như ASEM, ASEAN-EU. Đức ủng hộ quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, có cuộc sống tương đối ổn định. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Hiện nay, một số bang của Đức đã cho phép đưa tiếng Việt như một ngoại ngữ tự chọn vào giảng dạy ở các trường phổ thông.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau. Chúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz thành công tốt đẹp, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.