Tránh trùng danh mục chi ngân sách nhà nước
Cho ý kiến về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia khi đề xuất cần cân nhắc việc thành lập quỹ trong dự thảo Luật này, các đại biểu Phạm Văn Hòa (Ðoàn Ðồng Tháp), Trần Văn Tiến (Ðoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Lệ Thủy (Ðoàn Bến Tre) và một số đại biểu cho rằng: Dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách; theo đó, nếu thành lập quỹ sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động để thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý; hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn, tránh trùng lặp với các hoạt động chi của các loại quỹ khác như quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam…
Cho rằng dữ liệu là dạng “tài sản” mới rất quan trọng, đại biểu Trình Lam Sinh (Ðoàn An Giang) lưu ý cần đánh giá tác động rõ hơn về các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, bảo đảm không bị chi phối hay lộ lọt thông tin.
Góp ý về những nội dung liên quan chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hòa và một số đại biểu đề nghị cần thận trọng trong việc bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức, cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, trục lợi; mặt khác bảo đảm hài hòa thông lệ quốc tế, không cản trở luồng dữ liệu an toàn. Về nội dung này, theo đại biểu Nguyễn Ðại Thắng (Ðoàn Hưng Yên), việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Ðoàn Nghệ An), cần nghiên cứu thấu đáo để có hệ thống khuôn khổ pháp luật đầy đủ quy định về chuyển đổi số, từ đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vì có phạm vi liên quan các luật về dữ liệu quốc gia, dữ liệu cá nhân, viễn thông, giao dịch điện tử; tránh các “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển chuyển đổi số quốc gia về sau.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bộ Công an sẽ sớm hoàn thiện tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.
Ðại biểu Quốc hội các tỉnh Trà Vinh, Thanh Hóa và Hà Nam thảo luận tại tổ chiều 8/11. (Ảnh DUY LINH) |
Đấu tranh quyết liệt, đẩy lùi tệ nạn ma túy
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung giải quyết, khắc phục những hạn chế và giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy; cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Theo Tờ trình, cơ quan chủ trì quản lý Chương trình là Bộ Công an; các cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện gồm nhiều bộ, ngành; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2025 đến hết năm 2030. Giai đoạn 2026-2030: Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể.
Ðánh giá 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án của Chương trình về cơ bản phù hợp các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy của giai đoạn thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khỏe, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Nhấn mạnh công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống ma túy.
Chiều qua, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này, bày tỏ quan điểm tán thành chủ trương đầu tư nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ý kiến nhấn mạnh, thực trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy hiện nay là vấn đề nhức nhối. Ðối với chỉ tiêu “Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%”, có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu này quá “tuyệt đối” và đề nghị cần xem xét kỹ hơn. Có thể thấy, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện và triệt phá hoàn toàn sẽ đem lại sự an tâm cho toàn xã hội, nhưng trên thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, nên khó phát hiện được hết 100%.
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng mục tiêu của Chương trình còn chung chung, cần xem xét, nghiên cứu định lượng hơn nữa và phải thể hiện đến năm 2030 đạt kết quả cụ thể, nổi trội hơn so với thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.
Hôm qua, Quốc hội nghe nội dung Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại tổ, một số ý kiến cho rằng, việc “dẹp loạn” các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo.
Ðể giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép; có các quy định về việc quảng cáo không được phép chiếm dụng không gian công cộng hoặc làm giảm giá trị cảnh quan đô thị.
Chúng ta có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu kết nối liên thông, góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân...; tuy nhiên một số bộ, ngành, địa phương chưa đủ hạ tầng triển khai, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, khó khăn trong khai thác. Việc luật hóa dữ liệu hết sức cần thiết.
Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðoàn Ðồng Tháp)
Ðề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài; quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố về dữ liệu...
Ðại biểu Nguyễn Ðại Thắng (Ðoàn Hưng Yên)
Nhiều quảng cáo có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường. Do đó, cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ðại biểu Trần Quốc Tuấn (Ðoàn Trà Vinh)