Sân vận động quốc gia đã xuống cấp như thế nào?
Cuối tháng 12/2022, đội tuyển Việt Nam đón tiếp Malaysia trong trận đấu đầu tiên trên sân nhà tại AFF Cup 2022, nhiều người hâm mộ cảm thấy “xấu hổ với bạn bè quốc tế" khi thấy mặt sân Mỹ Đình. Những mảng cỏ héo úa, vàng vọt, không sức sống. Mặt sân mấp mô, không bằng phẳng và luôn… bụi mù lên sau mỗi bước chạy.
Sân Mỹ Đình không chỉ để lại ấn tượng xấu chỉ riêng mặt cỏ. Hàng loạt hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp cũng gây mất mỹ quan. Hệ thống khán đài nứt gãy, đọng nước, các phòng chức năng trang thiết bị xuống cấp, nhà vệ sinh bốc mùi… đang là thực trạng tồn tại nhiều năm qua.
Toàn cảnh sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thời điểm tiền SEA Games 31. (Ảnh: TTXVN) |
Mọi chuyện tưởng chừng như sẽ khá hơn ở trận đấu tiếp theo với Myanmar. Thế nhưng, mặt sân quá xấu một lần nữa lại trở thành “tâm điểm” của dư luận và truyền thông. Người hâm mộ thậm chí còn đặt hình ảnh sân Mỹ Đình bên cạnh các sân vận động khác của Thái Lan, Indonesia, Malaysia… để chế giễu.
“Mỹ Đình chắc chắn là sân xấu nhất trong 4 sân ở vòng bán kết AFF Cup 2022; sân Mỹ Đình đặt cạnh các sân vận động khác khiến chúng tôi như được quay trở lại thời kỳ xem bóng đá bằng tivi đen trắng…”, đó là một trong số rất nhiều bình luận của người hâm mộ Việt Nam về Mỹ Đình.
Tháng 5/2020, sân Mỹ Đình còn vinh dự là 1 trong 5 sân được yêu thích nhất Đông Nam Á do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) bầu chọn. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau, mọi việc đã thay đổi chóng mặt. Đến nỗi, nói như đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đến giờ sân Mỹ Đình thì đội nhà cũng chê mà đội khách cũng chê”.
Trước thềm AFF Cup 2022, trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh đánh giá: “Tôi nghĩ mặt cỏ chưa thực sự tốt lắm, nhưng toàn đội cũng đã có thời gian làm quen. Sân Mỹ Đình có độ lún hơn sân ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nên huấn luyện viên trưởng đề nghị cầu thủ mang giày đinh sắt thì sẽ tốt hơn”.
Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh thậm chí cho rằng chất lượng mặt cỏ kém chất lượng trên sân nhà Mỹ Đình khiến anh và các đồng đội không thể triển khai nhuần nhuyễn đấu pháp chiến thuật của Ban huấn luyện.
Sân xuống cấp do đâu?
Hình ảnh sân Mỹ Đình khi mới khánh thành vào năm 2003. (Ảnh: 365Stadium) |
Từng nhiều năm tác nghiệp tại sân Mỹ Đình, bình luận viên Quang Tùng cho rằng, chất lượng mặt sân Mỹ Đình xuống cấp có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân. Lý do đầu tiên phải kể đến là do thời tiết đặc thù của miền bắc, với dạng thời tiết này, rất khó tránh khỏi việc cỏ bị khô héo.
“Tuy nhiên, thực tế nhiều mặt sân khác ở miền bắc vẫn duy trì được trạng thái tươi xanh. Điều này chứng tỏ sân Mỹ Đình đang không nhận được sự chăm sóc xứng đáng. Các hạng mục khác cũng cho thấy tiêu chuẩn về mặt tư duy đang không đạt yêu cầu”, bình luận viên Quang Tùng chia sẻ.
“Tuy nhiên, thực tế nhiều mặt sân khác ở miền bắc vẫn duy trì được trạng thái tươi xanh. Điều này chứng tỏ sân Mỹ Đình đang không nhận được sự chăm sóc xứng đáng. Các hạng mục khác cũng cho thấy tiêu chuẩn về mặt tư duy đang không đạt yêu cầu.
Bình luận viên Quang Tùng
Trong khi đó, ông Đặng Việt Hà, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao trong cuộc gặp gỡ báo chí tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sáng 26/12 cho rằng: "Mặt sân như hiện tại là do chúng ta quên bảo dưỡng chứ không phải do thiếu kinh phí. Việc bảo dưỡng và chăm sóc trong một tháng qua được tiến hành đều đặn nhưng thời tiết Hà Nội khắc nghiệt, nắng ít nên mặt cỏ không xanh như ý muốn, hình ảnh đưa lên truyền thông không đẹp".
Mặt cỏ sân Mỹ Đình trước trận gặp Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2022. (Ảnh: CTV) |
Khoảng 10 năm qua, mặt cỏ sân Mỹ Đình vẫn chưa được thay mới mà chủ yếu là chăm sóc trên nền đất cũ, với các loại cỏ cũ. Do vậy, chỉ cần thời tiết chuyển biến bất thường là mặt cỏ ở Mỹ Đình lập tức có vấn đề cả về thẩm mỹ lẫn chất lượng.
Bên cạnh đó, những sai phạm kéo dài trong nhiều năm cũng khiến cho Mỹ Đình “gánh” nhiều hệ lụy. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 6/2022 về việc thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, Hà Nội, giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình thu 30-60 tỷ mỗi năm, trong giai đoạn được Chính phủ giao thí điểm tự chủ tài chính.
Theo kết luận từ Thanh tra Chính phủ, số tiền liên quan tới sai phạm gần 777 tỷ đồng, đến từ việc cho thuê đất khi chưa được đồng ý của cơ quan chức năng, cho thuê đất nhưng để tiền ngoài sổ sách.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuống cấp sẽ khiến “thế giới đánh giá công tác quản lý thể dục thể thao Việt Nam yếu kém”.
“Tôi cho rằng cần phải làm rõ lý do tại sao sân Mỹ Đình lại xuống cấp như hiện nay. Và tại sao, sau khi sân xuống cấp lại không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cho xứng tầm quốc gia”, đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Cần thay đổi cơ chế vận hành
Hiện nay, sân Mỹ Đình thuộc quản lý của Khu liên hợp thể thao quốc gia, đơn vị tự chủ tài chính 100% từ năm 2012. Nhiều chuyên gia cho rằng: Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn thẳng vào thực trạng; đồng thời thay đổi cơ chế vận hành.
Bình luận viên Quang Tùng cho rằng, Khu liên hợp thể thao quốc gia là một tài sản công, vậy nên cần có sự vào cuộc gấp rút của các ban ngành liên quan. Đặc biệt, sân vận động quốc gia Mỹ Đình là địa điểm phục vụ một số hoạt động chính trị, xã hội mang tầm quốc gia và quốc tế, mang tầm ảnh hướng lớn với hình ảnh đất nước.
Đội tuyển Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á nhưng sân vận động quốc gia lại chưa xứng tầm. |
“Nhà nước có thể hỗ trợ một phần ngân sách. Trong trường hợp không có ngân sách, Khu liên hợp cần có cơ chế phù hợp để vận hành, để có thể tự chủ thực sự chắc chắn. Qua đó tạo được nguồn kinh phí để duy tu, vận hành hệ thống hiện nay, đáp ứng đúng mục đích của công trình”, ông Tùng thẳng thắn nói.
Cũng theo bình luận viên kỳ cựu này, hiện nay, cần nhìn nhận Khu liên hợp thể thao quốc gia là một đơn vị tự chủ và đang hoạt động thiếu hiệu quả. Do đó cần nhìn lại những cơ chế còn đang có những “lỗ hổng”, hoạt động kinh doanh từ các tài sản công thiếu hiệu quả.
Đối với việc Khu liên hợp thể thao quốc gia yêu cầu được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: Hiện nay, đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình đã là một đơn vị xã hội hóa, được quyền thu vé, tự kinh doanh thì cần làm rõ tại sao cần ngân sách nhà nước.
“Trong tương lai, tôi nghĩ bóng đá phải xã hội hóa. Nếu tư nhân có khả năng thì để họ tham gia quản lý sân. Đây cũng là xu thế của hoạt động thể dục thể thao, trong đó có bóng đá", ông Hòa gợi ý.
Trong tương lai, tôi nghĩ bóng đá phải xã hội hóa. Nếu tư nhân có khả năng thì để họ làm. Giao khoán cho tư nhân như những đội bóng tầm cỡ, đủ khả năng quản lý sân. Đây cũng là xu thế của hoạt động thể dục thể thao, trong đó có bóng đá. Hiện nay, các sân bóng đá trên thế giới hầu hết đều thuộc tư nhân quản lý.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trình Lam Sinh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: Cần phải đầu tư lại, trong đó nên cho phép doanh nghiệp tư nhân vào khai thác, đầu tư, vận hành để bảo đảm chất lượng của một sân vận động tầm cỡ quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng đưa ra quan điểm cần thay đổi cơ chế vận hành hiện nay. Ông cho rằng, nếu áp dụng đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong vận hành, quản lý sân Mỹ Đình để khai thác nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu lãng phí.
“Một điều cần ghi nhận rằng đội tuyển bóng đá nam và nữ đang đem lại những nguồn năng lượng tích cực đối với người dân, tất cả đều rất tự hào về đất nước mình, giá trị Việt Nam cũng đang tăng lên nhờ tinh thần đó. Thế nên, những hình ảnh ở sân Mỹ Đình sẽ không chỉ lan tỏa trong nước mà cả toàn cầu. Chiến thắng ở sân Mỹ Đình vừa qua sẽ đẹp lên rất nhiều lần nếu như chất lượng sân được bảo đảm. Người xem dù vui với đội tuyển nhưng cũng đọng lại một nỗi buồn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Chỉ đạo nóng xử lý tồn đọng tại Sân vận động Mỹ Đình
Ngày 6/1, sau khi nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu báo cáo thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã triệu tập một cuộc họp khẩn, chỉ đạo các giải pháp thực hiện và xử lý một số vấn đề "nóng" liên quan đến ngành.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành quyết liệt hành động, xử lý ngay những tồn tại hiện có tại sân vận động Mỹ Đình; cố gắng bằng mọi biện pháp khắc phục để đến ngày 9/1, khi Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam thi đấu với Indonesia sẽ không còn những hình ảnh như hiện nay.
Về mô hình hoạt động tại Trung tâm Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Bộ trưởng yêu cầu sắp tới cần phải bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn mô hình phù hợp nhất. "Tự chủ hay tự chủ một phần, hay mô hình nào phù hợp, đó là câu hỏi mà chúng ta phải sớm trả lời. Không thể để tình trạng này kéo dài", Bộ trưởng nhấn mạnh.