Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH Xuân Anh hoạt động từ nhiều năm nay, thời gian đầu, công ty làm ăn rất uy tín để tạo dựng lòng tin và được nhiều đại lý thu mua nông sản và người dân trong huyện đến ký gửi tiêu, cà-phê với số lượng hàng nghìn tấn, thậm chí có nhiều người còn gửi cả tiền cho doanh nghiệp này làm ăn cứ đến tháng đến nhận lãi.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 12-2020, doanh nghiệp thu mua tiêu, cà-phê của người dân, hẹn đến đầu tháng 1-2021 sẽ trả tiền nhưng đến nay vẫn không chịu trả. Cũng vào thời điểm này, hàng chục đại lý, người dân ký gửi tiêu, cà-phê tại đây đã kéo đến đòi tiền nhưng chủ doanh nghiệp trốn tránh, không chịu trả tiền và có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Bà Phạm Thị Hồng ở tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Gia đình tôi xuất cho Công ty TNHH Xuân Anh 150 tấn cà-phê, với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng, có hóa đơn đỏ. Khi nghe thông tin có nhiều người đến doanh nghiệp đòi tiền, nhiều ngày nay, tôi cũng đến đây nhưng đến nay, sau nhiều lần hứa hẹn bà Kim Anh (vợ ông Mai Xuân Anh) vẫn chưa thanh toán số tiền này cho tôi. Bà ấy còn lừa tôi và nhiều người bỏ vào 5,5 tỷ đồng để lấy nhà phía ngoài đường nữa. Toàn bộ số cà-phê tôi bán cho Công ty TNHH Xuân Anh là do tôi nhận ký gửi, thu mua của người dân. Sau khi nghe thông tin, nhiều người dân ồ ạt kéo đến yêu cầu tôi trả tiền, nhưng Công ty TNHH Xuân Anh đã lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số lượng cà-phê tôi gửi, giờ không biết lấy gì trả. Không chỉ lừa đảo chiếm đoạt số cà-phê, mà tôi và nhiều người gửi ở đây, vợ chồng ông Mai Xuân Anh còn chuyển nhượng lại toàn bộ tài sản cho người khác, trong đó có con rể của ông. Điều này cho thấy, chủ doanh nghiệp này đã có sự tính toán trước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng tôi".
Bà Trần Thị Phương Linh ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar cho biết: Từ tháng 8 đến ngày 30-12-2020, bà đã ký gửi cho Công ty TNHH Kim Anh 55 tấn tiêu, 28 tấn cà-phê và số tiền 480 triệu đồng, tổng giá trị Công ty TNHH Kim Anh nhận của bà Linh là hơn 4,1 tỷ đồng, hẹn đến ngày 30-12-2020 sẽ trả đủ.
Tuy nhiên, đến ngày 30-12-2020, Công ty TNHH Kim Anh viện lý do ngân hàng nghỉ Tết Dương lịch không rút tiền được, hẹn sau thời gian này sẽ trả. Sau Tết Dương lịch đến nay, ngày nào bà Linh cũng ra đòi tiền nhưng vợ chồng ông Mai Xuân Anh hẹn hết ngày này đến ngày khác không chịu trả.
Đến nay, Công ty TNHH Kim Anh vẫn chưa trả tiền cho đại lý hay người dân nào, nhưng toàn bộ số nông sản ký gửi trong kho lên đến hàng nghìn tấn đã không còn.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu ở xã Cư Dliêmnông, huyện Cư M’gar trình bày trong nước mắt: "Gia đình tôi sản xuất cà-phê, sau bao năm tích góp được hơn 34,6 tấn, cuối tháng 12-2020, tôi cần tiền để vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh chữa trị bệnh ung thư nên bán toàn bộ số cà-phê này. Ngày 30-12-2020, Công ty TNHH Kim Anh đã đồng ý mua và cho xe lên tận nhà tôi chở cà-phê về, tôi nói trả tiền đã mới được chở cà-phê, nhưng phía Công ty TNHH Kim Anh nói chở về công ty kiểm tra độ ẩm và tạp chất xong sẽ trả tiền. Thế nhưng, khi chở về đến Công ty, sau khi đo độ ẩm và tạp chất, người của Công ty đổ toàn bộ số cà-phê ra sàn nhà và nói chưa có tiền trả, hẹn sau Tết Dương lịch sẽ trả. Thế nhưng, sau Tết Dương lịch tôi ra công ty đòi tiền, thì thấy nhiều người cũng đến, lúc này mới biết mình bị lừa, bởi trong kho chứa cà-phê đã trống rỗng. Giờ không biết lấy tiền đâu để đi chữa bệnh".
Những ngày qua, các đại lý và những người dân này đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của huyện Cư M’gar tố cáo Công ty TNHH Xuân Anh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị sớm có biện pháp ngăn chặn, không để gia đình Giám đốc Công ty TNHH Kim Anh tẩu tán tài sản.
Trung tá Phan Hữu Hóa, Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đến nay, Công an huyện đã tiếp nhận nhiều đơn của người dân tố cáo Công ty TNHH Xuân Anh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện, Công an huyện đang xác minh, điều tra làm rõ để xử lý đúng quy định của pháp luật. Qua đây cũng khuyến cáo người dân khi thu hoạch cà-phê về thì nên bán lấy tiền luôn, không ký gửi trong thời gian dài để rồi thất thoát tài sản gia đình.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Phạm Trung Nghĩa cho biết: UBND huyện đã nắm được thông tin về tình hình của Công ty TNHH Kim Anh và chỉ đạo Công an huyện khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, không để những người bị kích động, không giữ được bình tĩnh gây mất an ninh trật tự hoặc gây thương tích cho người khác dẫn đến vi phạm pháp luật.
Trong nhiều năm qua, tình trạng các công ty, đại lý thu mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng sau một thời gian tạo dựng vỏ bọc kinh doanh hiệu quả, được nhiều người tin tưởng đến ký gửi nông sản với số tiền lớn, sau đó tuyên bố vỡ nợ xảy ra khá phổ biến, để lại nhiều hệ lụy xấu.
Từ thực trạng này, rất mong các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của những Công ty, đại lý thu mua, nhận ký gửi nông sản để tránh những hậu quả xấu tương tự xảy ra.