Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/10, lạm phát ở khu vực 19 quốc gia chia sẻ đồng euro đã tăng tốc so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,4% trong tháng 9, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Tỷ lệ này cao hơn mức 3% một tháng trước đó, thậm chí còn cao hơn dự báo 3,3% của nhiều nhà phân tích.
Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí năng lượng tăng vọt, đảo chiều so với đợt giảm giá dầu diễn ra trong đại dịch Covid-19.
Tác động từ những ách tắc trong sản xuất và vận chuyển cũng đẩy giá hàng hóa lâu bền tăng 2,3% so với tháng 8.
Biến động trong giá thực phẩm và năng lượng khiến giá cơ sở cũng tăng nhanh trong tháng 9, trong khi lạm phát cơ bản không bao gồm thực phẩm và năng lượng đã tăng lên 1,9% so với mức 1,6% của tháng trước.
Với việc giá khí đốt tự nhiên tăng cao và tắc nghẽn lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất, lạm phát của Eurozone được dự báo có thể đạt 4% vào cuối năm, gấp đôi mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra, bất chấp việc ECB dự báo lạm phát sẽ giảm tương đối nhanh vào đầu năm 2022.
Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang diễn biến xấu, khả năng lạm phát sẽ gây ảnh hưởng đến giá cơ bản và tạo ra áp lực lâu dài hơn khi các công ty điều chỉnh chính sách giá cả và tiền lương.
Hiện tại, ECB vẫn giữ quan điểm rằng đợt tăng lạm phát này sẽ nhanh chóng qua đi và giá cả sau đó sẽ nằm dưới ngưỡng mục tiêu mà ECB đề ra trong các năm tới, theo sau các biện pháp giảm lãi suất cho vay.
Song Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng phát biểu thận trọng, chỉ ra rủi ro lạm phát gia tăng và nhấn mạnh các biện pháp cần thiết đối phó với tăng giá yếu để bảo đảm lạm phát trở lại mức mục tiêu.
Tuy nhiên, với kế hoạch kích thích kinh tế khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1,85 nghìn tỷ euro dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau, ECB nhiều khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới.