Làm giàu từ nuôi tôm công nghệ cao

Những ngày tháng 3, chúng tôi trở lại vùng ven biển của thành phố Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) nơi được mệnh danh là "thủ phủ tôm" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Gần đây, giá tôm tăng lên khá cao, người sản xuất có lãi, đến đâu cũng dễ dàng cảm nhận không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp đầy hứng khởi.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. (Ảnh THANH CƯỜNG)
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. (Ảnh THANH CƯỜNG)

Hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm

Là một trong số những hộ dân tiên phong thực hiện nuôi tôm công nghệ cao, gia đình anh Long Văn Nghĩa được nhiều người gọi "vua tôm" ở vùng biển xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Từ nhiều năm nay, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 6 đến 8 tỷ đồng nhờ nuôi tôm theo mô hình này.

47 tuổi, nhưng anh Nghĩa đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh ở vùng ven biển Bạc Liêu, gần 10 năm "lăn lộn", tìm tòi thực hiện mô hình công nghệ cao được đánh giá là có nhiều ưu điểm như: ít tốn công chăm sóc, thân thiện môi trường, khá bền vững, ít nhiễm các loại bệnh, thu lãi cao...

"Sau nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm tại các cơ sở của Nhà nước, năm 2009, tôi quyết định về nhà phát triển mô hình này. Ban đầu chỉ nuôi kiểu "cò con" ở ao đất, sau đó tôi chuyển sang nuôi 6 ao tôm thẻ siêu thâm canh, mỗi ao khoảng 2.000m2. Tôi áp dụng hình thức lót bạt đáy, chạy quạt oxy đáy, nhưng tăng mật độ lên đến 200 con/m2, tỷ lệ thành công của mô hình đạt khoảng 70%. Đã bốn lần tôi thay đổi công nghệ nuôi, chưa kể nhiều chi tiết nhỏ phải cập nhật hằng năm. Hiện nay, gia đình tôi có tổng số 36 ao nuôi, diện tích mỗi ao khoảng 800m2 được chia thành 4 khu, mỗi năm nuôi 4 vụ, thu từ 300-350 tấn, sau khi trừ chi phí, thu lãi 6-8 tỷ đồng...", anh Long Văn Nghĩa chia sẻ.

Tương tự như hộ gia đình anh Nghĩa, anh Nguyễn Văn Hoạt, 62 tuổi ở xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu cũng được đánh giá là người nuôi tôm giỏi. Mỗi năm gia đình anh thu nhập tiền tỷ, từng được bình chọn là điển hình "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

"Tôi quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1985 tôi xuất ngũ. Năm 1999, tôi đến Bạc Liêu sống bằng nhiều nghề, nhưng vẫn vất vả, nghèo khó. Đến năm 2000, nhận thấy mô hình nuôi tôm đang phát triển, tôi cùng một vài người bạn đến xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình để thuê 4 ha đất nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh. Năm 2002, tôi thu lãi 400 triệu đồng. Từ thành công ban đầu này, năm 2005 tôi mua 2 ha đất ở xã Hiệp Thành để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm. Với quyết tâm, đến nay tôi đã đầu từ hơn 5 tỷ đồng thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao với ba giai đoạn. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 10 ha, với 12 ao nuôi công nghệ cao. Trong ba năm qua, tổng sản lượng thu được 165 tấn tôm nguyên liệu, thu hơn 14,8 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 7 tỷ đồng...", anh Nguyễn Văn Hoạt chia sẻ.

Chúng tôi đến thăm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, trụ sở tại địa phận xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu). Anh Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý cho biết: Năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương quy hoạch "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu"; và định hướng "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Theo đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, quy mô hơn 418 ha, tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng vào ngày 30/12/2018.

Đến nay, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng.

Hiện tại dự án đang được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đi liền với triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước". Đã có 9 doanh nghiệp đầu tư vào đây. "Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đủ các điều kiện về mặt pháp lý, cũng như cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ để hoạt động hiệu quả...", anh Phạm Hoàng Minh cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu, đến đầu năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh lên đến hơn 150.000 ha, với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế và giá trị cao như: mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh đạt gần 33.000 ha; mô hình tôm-lúa hơn 46.000 ha; quảng canh cải tiến kết hợp đạt hơn 67.000 ha…

Điều đáng ghi nhận trong nuôi trồng thủy sản là mô hình sản xuất sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều công ty, doanh nghiệp thực hiện. Đến nay, Bạc Liêu có 6 công ty, doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và 316 hộ dân được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như BAP, GlobalGAP, ASC...

Khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu, bên cạnh thế mạnh,thuận lợi, thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, mặc dù nuôi trồng thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho lao động của tỉnh, nhưng để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc.

Đó là tình trạng người dân các vùng nuôi vẫn còn lén xả thải ra môi trường, vừa gây khó cho khâu phòng chống dịch, vừa ô nhiễm môi trường; cùng đó là kết cấu hạ tầng, liên kết tiêu thụ vẫn còn yếu và bấp bênh, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển...

Thực tế chứng minh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có thể cho năng suất gấp từ 10-15 lần so với cách truyền thống. Hiện nay, Bạc Liêu đã xây dựng 5 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 7.000 ha, xây dựng hai khu nuôi tôm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn thế giới và có năm tổ chức địa phương được chứng nhận nuôi tôm hữu cơ.

Hạ tầng phát triển đã giúp tăng sản lượng nuôi tôm đạt 320.000 tấn trong năm 2024. Tuy vậy, ngành nuôi tôm còn đối mặt với khó khăn về giá vật tư đầu vào cao, ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cho các khu vực nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghệ cao...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản. Tỉnh hiện có ba mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối; trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,18 tỷ USD (trong đó tôm đông lạnh chiếm hơn 1,13 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ). Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới...

Vì vậy, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành và mỗi hộ nuôi tôm trong tỉnh cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Có như vậy, Bạc Liêu mới sớm thật sự xứng tầm được mệnh danh là "thủ phủ tôm", đưa nghề nuôi tôm công nghệ cao và nuôi tôm công nghiệp phát triển lên một tầm cao mới, đủ sức "ra biển lớn", góp phần làm giàu quê hương, đất nước...