Làm giàu trên đồng đất quê hương

Nằm bên bờ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội gần 40 km về hướng đông nam, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) nổi tiếng với những quần thể di tích văn hóa, với truyền thuyết Chử Đồng Tử-Tiên Dung. Đến đây, bên cạnh cơ hội được tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, nghe những huyền tích về tình yêu đầy lãng mạn, chúng tôi còn được gặp những người quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo xã Tứ Dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây đào với ông Nguyễn Huy Tứ (ngoài cùng bên trái).
Lãnh đạo xã Tứ Dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây đào với ông Nguyễn Huy Tứ (ngoài cùng bên trái).

Mô hình chuyển đổi cây trồng linh hoạt

Nằm ở phía tây huyện Khoái Châu, nhờ giáp sông Hồng và có lợi thế đất bãi phù sa màu mỡ, người dân Tứ Dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây, con giống có giá trị vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Vùng đất này khoảng 5 năm trước rất nổi tiếng với sản phẩm chuối tiêu hồng. Đây từng là cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính cho người dân ở Khoái Châu cũng như Tứ Dân, nhưng hiện nay, khi sản phẩm này không còn hiệu quả, các hộ dân đã linh hoạt chuyển đổi sang trồng đào, quất...

Cùng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vũ Văn Chung và một số cán bộ, chúng tôi đến thôn Năm Mẫu. Vẫn là một mầu xanh bạt ngàn nhưng thay vì chuối tiêu hồng hay chuối tây, diện tích đất nông nghiệp giờ đây đã được thay bằng những vườn đào mọc cao, thân to đều, lá xanh mướt.

Việc lựa chọn cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như đào, quất là bước thay đổi quan trọng đối với người dân vùng đất này. Đồng chí Nguyễn Hữu Lập chia sẻ với chúng tôi về những băn khoăn ban đầu khi quyết định chuyển đổi. “Không ít hộ dân tâm tư, sợ rủi ro do chưa có kinh nghiệm, băn khoăn không biết loại cây này có phù hợp thổ nhưỡng của Tứ Dân hay không? Tuy nhiên, nhờ một số hộ mạnh dạn chuyển đổi thành công, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự tin thực hiện”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tứ Dân Nguyễn Thị Nhài cho hay: Những năm trước, cây dong riềng từng mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng nhận thấy việc sản xuất miến dong ảnh hưởng đến môi trường, cho nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp Hội Nông dân tích cực vận động người dân chuyển sang trồng chuối tiêu hồng, cho thu nhập cao hơn. Khi doanh thu từ cây chuối giảm, Hội tiếp tục tìm hiểu, tuyên truyền người dân chuyển đổi sang trồng đào và một số loại cây ăn quả, cây dược liệu và cây cảnh để tạo sinh kế mới.

Chúng tôi dừng chân bên một vườn đào rộng, xanh mướt. Đồng chí Vũ Văn Chung giới thiệu, đây là thành quả của gia đình nông dân Nguyễn Huy Tứ - một trong những điển hình của xã Tứ Dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thành công. Dáng người thấp, đậm nhưng nhanh nhẹn, ông chủ vườn Huy Tứ phấn khởi cho biết: “Để tìm hướng đi mới thay thế chuối tiêu hồng, tôi quyết định chọn trồng đào. Tôi mua cây giống ở huyện Thường Tín (Hà Nội), lúc đầu chỉ dám trồng thử 2 sào. Vừa được anh em, bạn bè tư vấn, tôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây. May mắn là ngay lứa đào đầu tiên đã mang lại thu nhập đáng kể. Hiện nay, mỗi sào trồng đào cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 30-35 triệu đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với trồng chuối chỉ đạt 15-20 triệu đồng/sào/năm. Gần 5 năm qua, tôi cũng như nhiều hộ trong thôn Năm Mẫu đã mạnh dạn chuyển hẳn sang trồng đào”.

Sau 4-5 năm được trồng thử nghiệm, hiện nay cây đào đã phát triển ổn định giúp cuộc sống của gia đình ông Tứ cũng như nhiều hộ dân ở thôn Năm Mẫu thay đổi tích cực. Việc chuyển đổi cây trồng thành công của gia đình ông Tứ cũng chính là câu chuyện hôm nay của Tứ Dân khi nói về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đứng bên vườn đào giữa trưa nắng gắt, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng khuôn mặt rạng rỡ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân Vũ Văn Chung thể hiện rõ sự tự hào khi chia sẻ về thành công của việc chuyển đổi cây trồng. Đồng chí cho biết thêm, từ năm 2019, một số người dân địa phương, ban đầu là ở thôn Mạn Xuyên, đi làm thuê tại các vườn đào ở những vùng khác đã học hỏi kinh nghiệm và mang cây đào về trồng thử nghiệm trên đất Tứ Dân.

Sau một, hai năm, thấy cây đào phù hợp thổ nhưỡng, đủ để cạnh tranh với đào của các vùng, cán bộ xã tiếp tục tuyên truyền tới nhiều hộ dân về việc nhân rộng mô hình trồng đào. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, diện tích đào của Tứ Dân đã đạt gần 9 ha, tiêu thụ hết vào dịp Tết. Đào Tứ Dân không chỉ được bán tại Hưng Yên mà nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận cũng tìm về đây để chọn cây trưng Tết.

Mặc dù khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, chẳng hạn như thời tiết thất thường, nguồn nước tưới hạn chế nhưng doanh thu từ trồng đào hiện nay chiếm phần lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp của Tứ Dân. Rút kinh nghiệm từ chuối tiêu hồng, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo người dân không phát triển “nóng” và phụ thuộc vào một loại mà đa dạng hóa cây trồng. Chẳng hạn như gia đình đồng chí Vũ Văn Chung lại trồng quất. Một phần vì gia đình đã có 15-16 năm kinh nghiệm, một phần vì doanh thu từ trồng quất có thể đạt tới 100 triệu đồng/sào mỗi năm, cao hơn nhiều so với trồng đào hay trồng chuối.

Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch

Bên cạnh những lợi thế về nông nghiệp, Tứ Dân có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của xã. Đây là vùng đất lịch sử không chỉ gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử-Tiên Dung mà Tứ Dân khi xưa từng là chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 và sau này là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Đội du kích Hoàng Ngân được thành lập tại tỉnh Hưng Yên.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lập, sau khi được công nhận nông thôn mới năm 2019, năm 2020, xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, chính quyền xã Tứ Dân đều có nghị quyết phê duyệt đầu tư hạ tầng nông thôn nhằm nỗ lực hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người trong năm 2024, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023. “Bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, chúng tôi luôn tuyên truyền người dân để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa. Thông qua các lễ hội, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương được tái hiện sinh động để lưu truyền cho thế hệ mai sau”, đồng chí Lập chia sẻ.

Tứ Dân còn có nhiều khu di tích và lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Ngự Dội, lễ hội đình làng Phương Trù; nổi bật là lễ hội đền Mạn Xuyên, thu hút rất nhiều du khách thập phương, nhất là những người con xa quê. Đây là lễ hội độc đáo và nổi tiếng ở miền bắc, với kiệu bay, lội nước… Vùng đất này còn có sáu di tích, trong đó có hai di tích cấp tỉnh là đình Phương Trù và đền Ngự Dội gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử-Tiên Dung nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội-Phố Hiến).

Để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch gắn với sông Hồng, chính quyền xã đã có chủ trương tu bổ, tôn tạo một số di tích, đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của những lễ hội. Tứ Dân được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm kết nối với các xã lân cận của huyện Khoái Châu trong tuyến du lịch sông Hồng.

Ngày 6/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Theo đó, Tứ Dân cũng nằm trong vùng trọng điểm du lịch sinh thái du lịch sông Hồng tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và trên tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch, phát triển kinh tế dọc sông Hồng.

Dự án khi hoàn thành sẽ là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Hưng Yên; góp phần hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng Thăng Long-Phố Hiến-Tam Chúc-Bái Đính-chùa Hương… cũng như kết nối giao thông vùng Hà Nội-Hưng Yên-Hà Nam-Ninh Bình. Khi đó, những đặc sản của Tứ Dân như đào, quất, chuối tiêu hồng Năm Mẫu, miến dong Phương Trù hay bánh tẻ Mạn Xuyên... sẽ có cơ hội xuất hiện ở các vùng miền, cũng như thu hút du khách quan tâm đến du lịch tâm linh nơi đây.

Mỗi người dân cũng như các cán bộ, lãnh đạo của huyện Khoái Châu nói chung và xã Tứ Dân nói riêng, luôn cố gắng lao động, tìm ra những cách làm, ý tưởng tốt để góp phần xây dựng nông thôn của địa phương. Những năm gần đây, mô hình chuyển đổi cây trồng linh hoạt của Tứ Dân rất đáng ghi nhận, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Khoái Châu Hoàng Văn Tựu nhấn mạnh.

Chúng tôi rời Tứ Dân khi trời đổ mưa lớn nhưng mầu xanh của những vườn đào trải dài tít tắp như thắp lên niềm hy vọng về sự đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này.