Làm chủ hạ tầng dữ liệu, phục vụ chuyển đổi số

Theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng dữ liệu là nền tảng quan trọng nhất của hạ tầng số, do đó cần được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc.
Vận hành Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc.

Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi về trung tâm dữ liệu (IDC) và điện toán đám mây với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ đạt mức một tỷ USD, tạo dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ.

Trên thế giới hiện có khoảng hơn 8.000 IDC, trong đó khoảng 30% nằm tại Mỹ. Với 39 trung tâm dữ liệu hiện có, Việt Nam chiếm chưa tới 1% thị trường dữ liệu toàn cầu cho thấy, chúng ta còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển.

“Xương sống” của nền kinh tế số

Ngày 25/10 vừa qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 8 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, được xây dựng trên diện tích 23.000 m2 và quy mô lên đến 2.000 tủ racks.

Trung tâm được đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như khả năng kết nối mạng siêu tốc, trang bị dự phòng N + 1 bảo đảm vận hành an toàn và liên tục, hệ thống an ninh sáu lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall. Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, với tám trung tâm dữ liệu hiện có, VNPT sẵn sàng cung cấp các dịch vụ dữ liệu cao cấp nhất, đáp ứng yêu cầu mang tính “may đo” của mọi phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu của Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đang được xây dựng là đưa hạ tầng số của Việt Nam phát triển cùng nhịp với thế giới, trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng mạng, cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số là điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu được coi là “trái tim” của internet, là “xương sống” của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý lượng dữ liệu khổng lồ của thế giới số, giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc, hạ tầng số gắn liền với an toàn dữ liệu và an ninh thông tin. Vì vậy chúng ta cần tự chủ xây dựng, vận hành các trung tâm dữ liệu và hệ thống điện toán đám mây, bảo đảm cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số an toàn và ổn định. Trên cơ sở hạ tầng dữ liệu vững chắc, chúng ta sẽ triển khai các giải pháp ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước. Việc các doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu là bước đi tất yếu để bảo đảm việc làm chủ dữ liệu hạ tầng số Việt Nam.

Đây cũng là minh chứng cho khát vọng của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ quan chính phủ và 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước.

Hướng tới tương lai bền vững

Dù đạt bước tăng trưởng khá trong những năm gần đây, nhưng đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu vẫn là loại hình đầu tư mới của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều để đuổi kịp các nước trên thế giới, nhưng đây cũng là cơ hội quý giá để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, trong đó, mức tiêu thụ năng lượng khá lớn của các trung tâm dữ liệu là một vấn đề cần được xem xét kỹ.

Theo thống kê, hiện các trung tâm dữ liệu đang tiêu tốn khoảng 2-3% tổng năng lượng toàn cầu. Khi quá trình chuyển đổi số tiếp tục diễn ra cả trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam, nhu cầu điện năng của các trung tâm dữ liệu sẽ là một thách thức, cộng thêm mức độ phát thải cũng ngày càng lớn. Dự báo đến năm 2030, mức sử dụng điện của các trung tâm này có thể tăng gấp 15 lần, chiếm khoảng 8% nhu cầu điện toàn thế giới. Điều này đặt ra bài toán cấp thiết cần xây dựng các trung tâm dữ liệu một cách bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và hạn chế phát thải theo đúng mục tiêu cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.

Tiến sĩ Jung-Kuei Chen, Phó Chủ tịch Viện Thí nghiệm viễn thông Chunghwa Telecom kiến nghị, để giải quyết một phần gánh nặng về năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, Việt Nam có thể sử dụng các nguồn điện xanh như điện gió, mặt trời hay các loại năng lượng tái tạo khác. Một giải pháp khác là giảm thiểu tác động môi trường thông qua thiết kế.

Đơn cử, VNG Data Center (đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã được thiết kế lối đi nóng/lạnh riêng biệt và sàn trũng nhằm góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng bề mặt đúc sẵn cách nhiệt để giảm lượng khí thải carbon... Điều này cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số và sự giàu có của quốc gia trong tương lai sẽ được đo bằng dữ liệu. Cứ mỗi ba năm, dữ liệu của thế giới sẽ tăng gấp đôi và Việt Nam còn tăng nhanh hơn.

Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có trung tâm dữ liệu loại lớn (quy mô hơn 5.000 racks), chủ yếu là vừa và nhỏ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần có tầm nhìn lớn hơn về dữ liệu quốc gia, chủ động đi đầu trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu và tạo ra không gian tăng trưởng mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam “trở về nhà mình”, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước và dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam, nhất là khi “hàng Việt” đạt đủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới với giá cả cạnh tranh. Các bộ, ngành, địa phương cần định hướng cộng đồng doanh nghiệp thay vì tự đầu tư các trung tâm dữ liệu; hãy chuyển hướng sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp vì sẽ hiệu quả hơn về chi phí, an toàn và linh hoạt hơn trong vận hành, đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp số nước nhà.