Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi: “Quan điểm của thành phố là không đánh đổi để làm dự án bằng mọi giá mà cân nhắc hài hòa lợi giữa ích kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh cân nhắc mà Chính phủ cũng rất cân nhắc. Nếu đánh đổi làm dự án thì để lợi ích lớn nhất mà hậu quả thấp nhất, ít mắc sai lầm nhất”.
Bốn vấn đề được người đứng đầu chính quyền thành phố đặt ra là:
Thứ nhất, chúng ta không xem xét dự án ở góc độ đầu tư, hiệu quả về tài chính mà theo xu hướng phát triển bền vững.
Thứ hai, qua quá trình chuẩn bị, có một số yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cần làm rõ về xung đột về phát triển kinh tế từ dự án và các cảng biển hiện hữu. Cụ thể dự án Cảng Cần Giờ có ảnh hưởng gì tới Cái Mép, hệ thống cảng trong khu vực và cần cân nhắc hết mọi vấn đề để đưa ra lựa chọn.
Thứ ba là tác động đến khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ. Chúng ta cần tránh hai xu hướng. Một là muốn làm cảng bằng mọi giá mà bỏ qua những tác động thấy rõ; thứ hai là tránh sợ ảnh hưởng, không đo lường các tác động nên không dám làm gì. Như vậy, không chỉ bảo vệ môi trường mà chúng ta bỏ qua cơ hội, nên chọn sự hài hòa để phát triển bền vững.
Thứ tư là phát triển kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng cần nhìn tổng thể, cần đánh giá hiệu quả về kinh tế cảng biển.
Mô hình Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. |
Tại hội nghị, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm: Bản thân tôi ủng hộ dự án này với một khát vọng lớn, vì hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế nào. Chọn Cần Giờ làm cảng trung chuyển quốc tế, cùng với cảng Cái Mép và cụm cảng số 4 đang quy hoạch sẽ nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia. Hệ thống cảng này phát triển bổ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau, nhìn tổng thể vì lợi ích vùng, quốc gia chứ không vì lợi ích Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Lịch, đây là hội nghị rất ý nghĩa để Chính phủ mạnh tay quyết định về mặt chủ trương thực hiện dự án.
PGS, TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đây là dự án có ý nghĩa, nhiều tiềm năng kinh tế biển với Thành phố Hồ Chí Minh và cả Việt Nam. Cần Giờ cũng là nơi có thể liên kết vùng đông tây, địa kinh tế, trung chuyển logistics. Khi hình thành không chỉ tác động gián tiếp mà còn là lan tỏa.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Hoài, về chủ trương đây là dự án táo bạo. Song qua báo cáo của tư vấn, chỉ mới dừng lại ở kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ liên quan kinh tế-xã hội mà còn văn hóa, đặc biệt là môi trường. Do đó, để có cơ sở đánh giá cho vấn đề này, thành phố tìm ra từ một đến hai đơn vị tư vấn độc lập đánh giá CPA-Phân tích đánh giá lợi ích về chi phí theo tiếp cận kinh tế. Mục đích làm CPA để ước lượng, đưa ra con số thuyết minh với xã hội, lợi ích lớn hơn chi phí và không gây xung đột.
Để từ đó làm cơ sở cho thành phố và Trung ương đồng thuận ra quyết định có triển khai dự án hay không.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi, sau quá trình khá dài nghiên cứu.
Đề án này có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện, nhất là kết luận 24 của Bộ Chính trị về xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là điều kiện để điều chỉnh quy hoạch tổng thể cảng biển.
Đề án này có đầy đủ cơ sở triển khai, có kết luận 24 của Bộ Chính trị về xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia là điều kiện để điều chỉnh quy hoạch tổng thể cảng biển.
Về vấn đề bảo vệ môi trường của dự án này, cũng là nội dung trọng tâm nhận được nhiều ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Sang đề nghị, vấn đề đánh giá tác động môi trường vẫn là quan trọng nhất do đó trong nghiên cứu thực hiện thành phố cần quan tâm, nghiên cứu sâu hơn nữa để đơn vị tư vấn lập môi trường chiến lược khi thực hiện quy hoạch.
“Dự án có nhiều yếu tố cơ hội, tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng cho cả vùng. Điều này rất thuận lợi nên thành phố cần thực hiện khẩn trương. Tôi kỳ vọng trong vòng 4 tháng nữa thành phố phải hoàn tất toàn bộ nghiên cứu, trình bộ và chính phủ xem xét. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở đầu tư thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.
Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế. Cảng nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế và thuận lợi cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Đồng thời, cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía nam, là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.