Nhiều kỳ vọng vào cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

“Khi đầu tư hoàn chỉnh, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo ra khoảng 6.000-8.000 việc làm, đóng góp trực tiếp cho ngân sách thành phố từ 34.000-40.000 tỷ đồng/năm”. Đó là khát vọng được thể hiện trong tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh do đơn vị tư vấn cung cấp)
Mô hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh do đơn vị tư vấn cung cấp)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để khai thác giai đoạn 1 của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trước năm 2030.

Không bỏ lỡ cơ hội vàng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển, vai trò của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ là tạo ra bao nhiêu việc làm, thu được bao nhiêu tiền mà đây là giấc mơ của tất cả những người liên quan đến ngành hàng hải, gắn bó với vận tải biển. Có cảng trung chuyển sẽ có rất nhiều tuyến feeder (tuyến trung chuyển chuyên tuyến) phân phối từ đây, chắc chắn các doanh nghiệp vận tải biển, vận tải thủy nội địa sẽ có cơ hội để phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, coi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là bước phát triển đột phá, không chỉ cho thành phố mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ. Cảng sẽ là cửa ngõ giao thương mang tầm cỡ quốc tế và khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á, sang châu Âu và châu Mỹ. Đây là cơ hội lớn đòi hỏi thành phố phải thực hiện nhanh nhất có thể để không vuột mất cơ hội.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực hàng hải, ông Nguyễn Hải Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn Vinaconex đánh giá, việc có được cảng Cần Giờ không chỉ giúp phát triển mạng lưới cảng biển mà còn là “đòn bẩy” để thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Khi cảng trung chuyển quốc tế hình thành, các tổ chức tài chính của các nước sẽ đặt văn phòng ở đấy để hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng.

Thực tế đã chứng minh nhiều thành phố phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Quan trọng hơn, khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được hình thành sẽ khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực; nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, đội tàu Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia), tuy nhiên hoạt động còn manh mún chưa tương xứng với tiềm năng. Việc được đầu tư xây dựng một cảng trung chuyển với quy mô quốc tế như cảng Cần Giờ là cơ hội vàng để phát triển đội tàu, góp phần phát triển kinh tế biển của đất nước.

Để biến khát vọng thành hiện thực

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, để có thể thật sự trở thành một cảng trung chuyển quốc tế thì cần cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Đó là hệ thống thiết bị hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, phần thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước cần được quan tâm.

Trong đề án trình Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện tại hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm thành phố về Cần Giờ chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, để kết nối giao thông, từ nay đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ; xây dựng nút giao thông Rừng Sác với cao tốc Bến Lức-Long Thành; mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác. Sau năm 2030, thành phố tiếp tục làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác, làm đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Về kinh phí thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cảng, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan. Nhà nước tự bỏ kinh phí hoặc huy động vốn hợp tác công-tư để làm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng cảng phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên; không được chuyển nhượng dự án trong thời gian đầu tư... Liên quan đến tác động môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khu vực đề xuất xây cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, điểm thuận lợi là hiện nay hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn) nghiên cứu đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng từ nguồn hàng hiện có của hãng tàu và là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.

Theo đề án, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) với tổng chiều dài cầu cảng chính 7 km và bến sà-lan 2 km. Tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà-lan 8.000 tấn. Cảng Cần Giờ dự kiến tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 người lao động, đóng góp cho ngân sách từ 34.000-40.000 tỷ đồng/năm khi đầu tư hoàn chỉnh. Dự án cảng Cần Giờ thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.