Quá tải, áp lực, hay nhu cầu điều trị cực kỳ cao... là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, mô tả hệ thống y tế của Anh trong nhiều tháng qua. Dư luận Anh đặc biệt lo ngại về sự chậm trễ của các bệnh viện, việc gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản, cũng như các cuộc đình công của nhân viên y tế. Trung bình, cứ năm bệnh nhân được xe cứu thương đưa đến bệnh viện, thì có một bệnh nhân mất hơn một giờ đồng hồ mới được cấp cứu. Ðại học Y khoa cấp cứu Hoàng gia của Anh ước tính, mỗi tuần có khoảng 300 đến 500 bệnh nhân tử vong tại khoa cấp cứu, với một phần nguyên nhân là do thời gian chờ đợi quá lâu.
Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak thừa nhận, Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Tình trạng quá tải của hệ thống y tế cũng được Thủ tướng Anh đề cập trong Thông điệp năm mới 2023 và ông khẳng định sẽ hành động quyết liệt cũng như huy động nguồn lực kỷ lục để giải quyết.
Một số quốc gia khác cũng oằn mình đối phó gánh nặng đang đè lên hệ thống y tế. Tại Séc, trong những ngày đầu năm 2023, các bệnh viện và phòng khám bị quá tải do số lượng bệnh nhân mắc cúm đến khám, điều trị tăng mạnh. Nhiều bệnh viện phải hạn chế đón tiếp bệnh nhân đến thăm khám hoặc tạm dừng triển khai một số hoạt động. Trong khi đó, khoa nhi của Bệnh viện Saint Joseph ở Berlin, Ðức chật vật vì lượng bệnh nhân tăng nhanh, trong khi số lượng nhân viên của khoa ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tại Canada, kết quả khảo sát cho thấy, người dân cảm thấy thất vọng vì tình trạng thiếu bác sĩ và y tá trầm trọng không được giải quyết, các bệnh viện nhi luôn quá tải và một số lượng lớn các ca phẫu thuật chưa được xử lý. Giám đốc điều hành Bệnh viện Nhi Ðông Ontario, ông Alex Munter cho biết, bệnh viện đã trải qua những tháng bận rộn nhất trong lịch sử 50 năm tồn tại của mình...
"Bộ ba" dịch bệnh đường hô hấp gồm Covid-19, cúm mùa và vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) hoành hành cùng lúc vào mùa đông khiến số bệnh nhân nhập viện tăng vọt. Tại châu Âu, dịch cúm bắt đầu bùng phát vào tuần thứ hai của tháng 11/2022, sớm hơn so với bốn mùa cúm trước đó.
Theo các chuyên gia y tế khu vực, mùa cúm 2022-2023 đến sớm hơn thường lệ do hệ miễn dịch của nhiều người đã suy yếu trong vài năm trở lại đây, trong khi hoạt động đi lại tăng vọt vào những tháng hè vừa qua dẫn đến hệ quả là dễ lây truyền bệnh. Ðặc biệt, trẻ em từng mắc Covid-19 càng dễ mắc các căn bệnh về hô hấp và bệnh cũng dễ diễn biến nặng hơn. Sự thiếu nhân lực trầm trọng là nguyên nhân khác tạo gánh nặng cho ngành y tế.
Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, hơn 500.000 người trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội ở nước này đã bỏ việc vào tháng 9/2022 do kiệt sức vì đại dịch Covid-19. Hiệp hội Y khoa Mỹ ước tính, cứ năm bác sĩ thì có một người có ý định rời khỏi lĩnh vực này trong hai năm tới.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hệ thống chăm sóc sức khỏe Mass General Brigham ở Boston đánh giá, tình trạng thiếu nhân lực không chỉ là vấn đề, mà là một cuộc khủng hoảng. Làn sóng đình công của các y tá, nhân viên cứu thương nhằm yêu cầu tăng lương đang diễn ra ở nhiều nước, trong bối cảnh đời sống người dân ngày càng chật vật do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo các chuyên gia, việc giải quyết cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe không chỉ cần thêm nguồn tài chính, mà còn đòi hỏi một cách làm việc mới. Gánh nặng đối với hệ thống bệnh viện có thể giảm đáng kể nếu nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp bên ngoài bệnh viện.
Chính phủ các nước đang tính tới phương án bổ sung kinh phí để giúp đỡ các cơ quan y tế, đẩy nhanh việc giải quyết cho những bệnh nhân đủ sức khỏe ra viện để giải phóng giường bệnh và giảm tải cho dịch vụ xe cứu thương... Cùng với đó, bản thân người dân cần nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là trong các dịp lễ.