“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…” (Tiến về Hà Nội - Nhạc sĩ Văn Cao).
Mỗi dịp tháng Mười lịch sử, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu đoàn viên Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà lại bật nhạc khúc bất hủ ấy lên trong căn phòng nhỏ của mình. Ký ức những ngày cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô 68 năm về trước cũng theo dòng nhạc dội về rõ rệt.
Từ trường học lớn Hỏa Lò…
Năm nay đã 96 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Hà vẫn rất minh mẫn và đặc biệt sôi nổi khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử của Thủ đô.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Anh trai của ông, cụ Nguyễn Hữu Văn từng là cận vệ và thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước Cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu với nhiệm vụ dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân.
Dù năm tháng qua đi, nhưng những ký ức hào hùng trong quá khứ vẫn còn mãi trong tâm trí ông Hà. |
Tới năm 1950, khi thực hiện nhiệm vụ giải cứu đồng chí phái viên công an hoạt động nội thành bị bắt ở nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), ông bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.
Ngừng lại một lát, ông kể: “Địch đã tra tấn tôi một cách dã man. Chúng chích điện vào tay chân, thả tôi xuống bể nước rồi lại mang ra phơi nắng. Không khai thác được, chúng lại dùng ‘mật ngọt’, cho tôi hút thuốc và uống sữa. Nhưng tôi kiên quyết không khai. Ngày vào Hỏa Lò, tôi gần như kiệt sức. Anh em trong tù phải chăm sóc mấy ngày tôi mới tỉnh dậy được”.
Cho tới tận lúc này, ông vẫn không thể quên những bữa ăn trong máng gỗ, thùng tôn mà địch dành cho anh em. Ông cũng nhớ như in giấc ngủ chập chờn trên chiếc phản dài lạnh buốt luôn vo ve tiếng ruồi muỗi, côn trùng. Thực dân Pháp âm mưu đày đọa các chiến sĩ yêu nước nhằm tiêu diệt ý chí của họ. Thế nhưng, chính trong những năm tháng ngục tù ấy, tình yêu nước, khát vọng độc lập, tự do lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Với ông Hà, Hỏa Lò cũng là một trường học lớn để trưởng thành, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày tiếp quản Thủ đô vài năm về sau. (Ảnh: Thành Đạt) |
Bước chân vào trường học lớn Hỏa Lò, chàng trai Nguyễn Tiến Hà được tín nhiệm bầu vào Ban Chi Ủy rồi trở thành Bí thư chi bộ trong tù.
“Khi ấy, việc ăn uống của nhà tù không đảm bảo. Anh em chỉ được ăn thịt ôi thiu, rẻ tiền, cá tép nhỏ, thịt nấu cả bì dai như quai guốc. Ban Chi ủy đã đấu tranh với địch để yêu cầu cải thiện đời sống tù nhân cũng như chống khủng bố, đàn áp”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, Chi bộ cũng vận động các đảng viên tuyên truyền để anh em giữ vững ý chí đấu tranh; tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, thậm chí cả… ngoại ngữ.
Cho tới tận lúc này, ông vẫn không thể quên những bữa ăn trong máng gỗ, thùng tôn mà địch dành cho anh em. Ông cũng nhớ như in giấc ngủ chập chờn trên chiếc phản dài lạnh buốt luôn vo ve tiếng ruồi muỗi, côn trùng. (Ảnh: Thành Đạt) |
Để tránh sự dò thám của kẻ thù, việc mở lớp cũng phải được tổ chức chặt chẽ, bí mật. Theo lời người cựu tù, mỗi trại sẽ có một số đảng viên nòng cốt, vận động anh em trong tù kháng chiến cùng, động viên tinh thần ý chí phấn đấu.
Vừa cười khà khà, người cựu tù 96 tuổi kể tiếp: “Phát hiện chúng tôi tổ chức lớp học, địch lập tức kiểm tra gắt gao. Thế nhưng, trong những tờ giấy ghi chép chỉ… toàn là công thức, hình vẽ và… chữ nước ngoài. Các bài giảng chính trị, quân sự thì anh em chỉ truyền miệng. Thế là chúng đành phải bó tay”.
… đến ngày năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Năm 1953, sau khi được trả tự do sau gần 3 năm trong nhà tù thực dân, ngay lập tức, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị để hoạt động bán công khai dưới bí danh mới - Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Hai năm sau, “giáo sư” có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô.
Để thực hiện nhiệm vụ, cánh quân của ông được lệnh di chuyển về đóng quân tại Thanh Trì trước vài hôm. Do thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, “giáo sư” có nhiệm vụ phụ trách Trại hàng binh Âu-Phi, chủ yếu thực hiện việc tuyên truyền chính sách của Việt Nam với tù bình, hàng binh.
"Khi ấy, anh em ai cũng nóng ruột mong ngày ‘trở về’. Càng sát tới thời điểm 10/10, chúng tôi càng náo nức, cả đêm không sao ngủ được”, ông Hà nhớ lại thời điểm trước ngày Tiến về Hà Nội. (Ảnh: Sơn Bách) |
“Khi ấy, anh em ai cũng nóng ruột mong ngày ‘trở về’. Càng sát tới thời điểm 10/10, chúng tôi càng náo nức, cả đêm không sao ngủ được”, ông Hà nhớ lại.
Sau nhiều ngày chờ đợi, sáng 10/10, những đoàn quân giải phóng lần lượt tiến về qua 5 cửa ô. Trước mắt ông Hà là những lá cờ đỏ sao vàng tung bay tự do trên từng con phố. Hàng nghìn người dân đổ ra đường, quần áo chỉnh tề, tay cầm hoa và ảnh Bác để chào đón đoàn quân.
Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Nhìn dòng người rạng ngời niềm vui độc lập, mắt ông Hà như nhòa đi. Ông bảo, ngày hôm đó thực sự là một ngày hội lớn của non sông, Tổ quốc.
“Dọc hai bên đường là những gương mặt hân hoan. Tất cả hát vang lên những bài ca kháng chiến, ca ngợi tình yêu nước. Lẫn trong đoàn binh trở về, chúng tôi đều rưng rưng và muốn bật khóc. Hà Nội hòa bình của chúng ta đây rồi”, tay run run, ông Hà vẫn còn nguyên cảm xúc hôm nào.
Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan của quân và dân Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Chiều cùng ngày, tiếng còi Nhà hát lớn Hà Nội rúc lên một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô cùng các đơn vị quân đội xếp hàng, khối chỉnh tề. Trong phút chốc, toàn Hà Nội hướng về Cột cờ Thành Hà Nội, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió. Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng trong niềm xúc động rưng rưng của cả một biển người.
Đã 68 năm trôi qua, nhưng những ký ức ngày nào vẫn còn mãi trong ký ức của ông Hà. Chia tay ông, tiếng nhạc từ căn chung cư vẫn văng vẳng vọng trong lòng chúng tôi:
“Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về Hà Nội bừng tiến quân ca”
(Tiến về Hà Nội - Nhạc sĩ Văn Cao)