Anh Phạm Thế Tài với niềm vui mới sau khi rời công việc.
Chuyến tuần tra trắc trở
Tôi biết anh Tư Tài cách nay 12 năm, trong một lần cùng Thanh tra Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi tuần tra hoạt động khai thác của ngư dân tuyến biển tây nam tỉnh Cà Mau. Hôm ấy, chạng vạng một ngày cuối tháng 7-2006, tàu kiểm ngư của Sở Thủy sản thả neo ngoài cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh). Cạnh đó là một tàu cá mang số hiệu tỉnh Kiên Giang, hành nghề giã cào. Con tàu ấy khai thác tuyến khơi, nhưng buông cào tuyến lộng và tuyến bờ. Hành vi của họ bị lực lượng kiểm ngư bắt quả tang trong chuyến tuần tra hôm trước. Họ không có tiền đóng phạt cho nên bị lai dắt vào bờ, chờ chủ tàu mang tiền qua nộp phạt. Nhưng họ đã thất hứa, khiến chuyến công tác biển bị chậm trễ.
20 giờ, cánh ngư dân bên tàu vi phạm vẫn chưa tàn cuộc rượu. Anh Hồng - Thuyền trưởng tàu kiểm ngư nóng lòng, khuyên mọi người tiếp tục hành trình mới, còn anh thì tình nguyện qua tàu cá vi phạm để "canh chừng" họ chạy trốn. Ðề xuất này bị Tư Tài (Phạm Thế Tài), Ðội trưởng Ðội kiểm ngư mắng mỏ: "Mầy chỉ có cây súng bắn đạn cao-su, trong khi trên tàu có 15 ngư dân. Họ đã có rượu trong người, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?".
Nán chờ. Chừng một giờ sau, tàu cá Kiên Giang bất ngờ nổ máy, nhổ neo, rồi rồ ga lớn chạy ra biển, khuất dần trong bóng đêm. Từ tàu kiểm ngư, Tư Tài cùng sáu đồng đội liền phóng xuống chiếc ca-nô 200 mã lực, đuổi theo. Thuyền trưởng Hồng và những đồng đội khác trên tàu kiểm ngư chạy theo sau để tiếp ứng. Ðược vài hải lý, thì ca-nô bắt kịp, định phóng lên tàu cá vi phạm nhưng bị chống trả. Các đối tượng dùng ngư cụ phủ kín hết lối lên tàu, ném chì chày, vật cứng về hướng cán bộ kiểm ngư. Qua ánh sáng đèn cao áp 500W, tôi thấy có ít nhất hai cái bát lọt xuống ca-nô và rơi trúng đầu cán bộ. Nhờ có nón bảo hộ, không ai bị thương.
Thấy đối phương không hợp tác và chống trả quyết liệt, Tư Tài dùng súng đạn cao-su bắn chỉ thiên ba phát. Không lâu sau, vài tiếng súng nữa vang lên nhưng tàu cá vi phạm vẫn không dừng lại. Sóng, gió lớn dần. Chiếc ca-nô trở nên nhỏ bé giữa biển đêm bao la. Tư Tài ra hiệu lệnh tạm ngưng cuộc rượt đuổi, chờ tàu lớn đến tiếp viện. Qua bộ đàm, Thuyền trưởng Hồng thông báo, bơm nước trên tàu bị nghẹt, không thể tăng tốc. Ðó cũng là lý do con tàu hơn 600 mã lực của kiểm ngư chạy phía sau mà cả giờ đồng hồ không bắt kịp tàu cá vi phạm chỉ 400 mã lực.
Chuyến hành trình gián đoạn vì sự cố máy móc. Tư Tài điều ca-nô trở về nhưng trong bụng hậm hực vì đã để xổng đối tượng vi phạm. Anh kêu cấp dưới tống đạt hồ sơ sang tỉnh bạn, phạt nguội. Trong khi đó, Thuyền trưởng Hồng nghe chuyện bị chống cự mà "lạnh" cả người: "Không nghe theo lời khuyên của anh Tư mà qua đó canh chừng, giờ này hổng biết em đang ở đâu".
Vật lộn với "tử thần"
Tư Tài đứng trước mũi tàu kiểm ngư, mắt dõi vào đêm tối. Với anh, đó là lần hy hữu để đối tượng vi phạm tẩu thoát. Còn với tôi, đây cũng là dịp được làm quen với anh, và kể nhiều về đời tư, về cái nghiệp chuyên đi "bắt bớ" tàu cá vi phạm. "Ðã vào cái nghề này, phải gan lỳ, dũng cảm, lắm lúc phải chấp nhận hy sinh", Tư Tài trải lòng và cho biết. Ngoài phối hợp cứu hộ, cứu nạn ngư dân đi biển, xử lý tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vi phạm hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên…, Ðội kiểm ngư còn đối mặt nhiều vụ phức tạp, cả va chạm với tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuối năm 1989, anh và đồng đội phát hiện đoàn tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đánh cá trái phép. Thấy lực lượng bên Việt Nam chỉ có bốn người trên một chiếc ca-nô nhỏ bé, đoàn tàu chia đội hình, vây ca-nô, ý định tông chìm cả người và phương tiện. Với tinh thần gan góc, dũng cảm, Tư Tài và đồng đội tiếp cận chiếc tàu lớn nhất cao hai tầng, khống chế được thuyền trưởng và buộc 20 thủy thủ trên tàu phải đầu hàng. Sau khi cắt cử hai người ở lại giữ tàu lớn, Tư Tài khống chế thêm một chiếc tàu nữa. "Tụi tôi chỉ có bốn người, bốn khẩu súng AK nhưng tóm được hai tàu và gần 40 thủy thủ" - Tư Tài thổ lộ.
20 năm gắn bó với nhiệm vụ tuần tra trên biển, không nhiều người hiểu hết những nhọc nhằn, hiểm nguy mà vị Ðội trưởng Ðội kiểm ngư Tư Tài cùng đồng đội đã trải qua. Thậm chí, có những lần suýt chết nơi biển cả.
Anh kể, có lần bão đổ bộ Vịnh Bắc Bộ, khiến trời yên bất ngờ có sóng to, gió lớn. Trong hành trình tuần tra trở vào bờ, tàu vô tình chạy vướng cồn cát. Nhiều con sóng hung dữ liên tiếp quật vào tàu. Sau khi tàu neo mũi, sóng lớn đánh dạt mũi neo, bánh lái sau vướng vô cồn khiến con tàu gần như tê liệt hoàn toàn. Không chịu bó tay, Tư Tài lệnh thả neo phía sau lái. Song, hy vọng bị dập tắt khi hệ thống máy phụ bị hỏng. Với ngư dân đi biển, chuyện mất tàu có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tính mạng chỉ còn tính bằng những phút ngắn ngủi. Trong giờ phút sống còn, Tư Tài ra lệnh cho anh em ôm phao bơi vào bờ rồi phán một câu chắc nịch như đinh đóng cột: "Yêu cầu chấp hành mệnh lệnh, ở đây tôi là chỉ huy cao nhất".
Trước sự kiên quyết ấy, đồng đội gạt nước mắt, ôm phao nương theo sóng vào bờ, để người đội trưởng ở lại trên tàu. Có lẽ, khi ra lệnh cho đồng đội rời tàu, Tư Tài đã chấp nhận sự hy sinh, mục đích để cứu số đông, và để cứu con tàu tuần tra - thứ tài sản quý báu của Ðội kiểm ngư vào thời điểm thiếu thốn trang thiết bị. "Nhìn con tàu bị sóng đánh bầm dập, ngả nghiêng, hấp hối, có lúc biến mất khỏi tầm nhìn mà lòng tôi quặn đau, cơ may sống sót của anh Tư cùng con tàu như ngàn cân treo sợi tóc" - Hận, một đồng đội cũ của anh Tư Tài - kể lại thời khắc "sinh tử" của người chỉ huy năm xưa.
Ðiều kỳ diệu đã xuất hiện. Sau vài giờ "vật lộn" với sóng dữ, Tư Tài đưa con tàu từ cõi chết trở vào bờ nguyên vẹn. Riêng bản thân anh thì gần như kiệt sức trong vòng tay đồng chí, đồng đội…
Không nề hà việc khó
Ðến bây giờ, nhắc lại, anh Tư Tài mới thú thiệt: "Trong thời khắc sinh tử năm xưa, trong đầu tôi thoáng hiện hình ảnh của người ông kính yêu". Năm đó, ở xã Trần Phán (huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau), giặc vào vùng giải phóng của cách mạng. Ông nội anh Tư Tài kêu mọi người đi hết, còn lại một mình tử thủ, bảo vệ ruộng vườn. Kết quả, ông bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng quyết không khai nơi ẩn náu của cán bộ, đồng bào. Bất lực, bọn giặc nã hàng chục phát đạn vào người ông. "Có lẽ, thấy tôi cũng có nghĩa cử giống ông cho nên ông phù hộ tôi qua cơn nguy hiểm", anh Tư Tài bụm miệng nói nhỏ.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ tấm bé, Tư Tài chứng kiến nhiều cảnh bi thương, cả việc ông nội bị địch giết. 15 tuổi, Phạm Thế Tài đã xung phong vào bộ đội để diệt giặc báo thù cho ông và nhiều đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau khi đất nước thống nhất, anh đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng xã Trần Phán. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh xung phong vào đội quân tình nguyện ở chiến trường Cam-pu-chia. Trong một lần gặp anh, má Nguyễn Thị Bình (người được bộ đội Quân khu 9 trìu mến gọi là "Bà má Chính ủy"), nắm tay bảo: "Con hết ở đồi núi rồi lại ra sông biển giúp dân".
Ðội kiểm ngư (tiền thân là Ðội tuần tra trên biển) thuộc Ðội Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ ngày mới thành lập, Ðội đã liên tục tìm kiếm, tuyển mộ nhân viên. Từ người được đào tạo chính quy, bài bản, đến dân đi biển lâu năm trong vùng cũng ít có ai trụ nổi trước yêu cầu khắt khe của công việc. Ở đó, những người đảm nhận nhiệm vụ luôn trong tâm thế sẵn sàng ra biển bất cứ lúc nào. Như bản thân anh Tư Tài, nhiều khi lênh đênh, ròng rã cả tháng trời trên biển. Trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, luôn phải đối mặt nguy hiểm từ thiên nhiên, từ người vi phạm… khiến nhiều người xin chuyển ngành, thôi việc. Nhưng Tư Tài vẫn gắn bó với công việc, cả từ lúc làm "lính" cho đến khi giữ vai trò "đứng mũi chịu sào".
Gian khó là vậy nhưng đến giờ, vị đội trưởng năm xưa vẫn một mực khẳng định, nếu có cơ hội chọn lại nghề, anh vẫn chọn nghề kiểm ngư: "Tạng người tôi chỉ phù hợp với những công việc khó khăn, nặng nhọc, đòi hỏi sức bền bỉ, dẻo dai. Những thứ đó, tôi có được là nhờ những tháng ngày trui rèn trong quân ngũ".
Gặp lại lần này, anh Tư Tài đã bước qua tuổi 64, vừa được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Ðảng. Sau hàng chục năm gắn bó với Ðội kiểm ngư, năm 2009, đội trưởng Tư Tài được phân công nhiệm vụ mới, từ phó, sau đó được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau. Cuối tháng 8-2016, anh nghỉ hưu theo chế độ.
Nói về người đồng nghiệp của mình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết, anh Tư Tài là người cương trực, thẳng thắn, có nhiều đóng góp tích cực cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau. Hàng chục năm đảm nhận nhiệm vụ, chưa từng có một lá thư hay một lời phàn nàn nào của người dân về thái độ hay hành vi ứng xử của anh. Những lời nói mềm mỏng, tình người, cách xử lý "thấu tình đạt lý" của anh Tư khiến người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Những đóng góp của anh được Ðảng, Nhà nước ghi nhận qua nhiều huân chương, huy chương và bằng khen của các cấp, các ngành.