Chị Hoàng Minh Th. (41 tuổi) có tiền sử gia đình mẹ từng mắc ung thư vú. Vì thế, chị rất chăm đi tầm soát sức khỏe định kỳ. Tại một cơ sở y tế, chị siêu âm và X-quang không phát hiện bất thường tuyến vú. Không yên tâm, chị đi kiểm tra tại một số cơ sở khác.
Cho tới khi, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, với kỹ thuật chụp X-quang vú phân giải cao, chị được phát hiện có vùng tổn thương 3mm ở ngực trái. Kết quả chụp X-quang 3D cho thấy đây là tổn thương ác tính.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nguyệt Minh, Trưởng đơn vị Kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đã tiến hành sinh thiết tổn thương dưới hướng dẫn của X-quang. Kết quả xét nghiệm cho thấy ung thư biểu mô ống tại chỗ độ I, giai đoạn sớm. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú trái, sức khỏe ổn định.
Siêu âm là biện pháp tầm soát ung thư vú sớm, nhưng có thể bỏ sót với những trường hợp tổn thương vú ác tính siêu nhỏ. Vì thế, X-quang vú sẽ giúp khắc phục được nhược điểm này.
Hiện nay, chất lượng hình ảnh X-quang kỹ thuật được cải tiến với độ phân giải lên đến 85 micromet cho mỗi điểm ảnh thay vì chụp phim thường như trước đây giúp bác sĩ có thể phóng to, rõ nét toàn bộ cấu trúc vú trên màn hình, thấy rõ những bất thường chỉ vài milimet.
Ngoài ra, phần mềm trí tuệ nhân tạo tích hợp trong máy đọc phim giúp sàng lọc bước đầu, bác sĩ sẽ sàng lọc lần thứ 2, tăng hiệu quả phát hiện bất thường, tránh tối đa bỏ sót bệnh.
"Bên cạnh máy X-quang thông thường, hiện nay có thêm máy X-quang hai mức năng lượng và X-quang 3D. Trong khi X-quang vú thông thường chỉ chụp được một phim nhu mô tuyến vú thì X-quang hai mức năng lượng có hai lần phát tia mức năng lượng cao và mức năng lượng thấp, giúp xóa đi phần mô tuyến vú bình thường, chỉ hiện rõ những tổn thương gợi ý ác tính.
Chụp X-quang vú 3D tái tạo lại mô tuyến vú dưới dạng các lớp cắt mỏng 1mm, làm gia tăng khả năng phát hiện tổn thương cũng như loại trừ những trường hợp dương tính giả do chồng lấp mô tuyến", bác sĩ Minh cho biết.
Hình ảnh ung thư vú (vùng hình tam giác) được phóng to trên phim chụp X-quang 3D. |
Chuyên gia này cũng cho biết, trước đây, đa phần sinh thiết khối u được thực hiện dưới siêu âm. Tuy nhiên, với những tổn thương chỉ thấy được dưới X-quang, phương pháp truyền thống là mổ rộng, người bệnh phải chịu một vết sẹo lớn 4-5cm, kể cả kết quả lành tính.
Dưới dạng định vị 3D của X-quang, các bác sĩ khi sinh thiết có thể lấy đúng tổn thương cần sinh thiết mà người bệnh chỉ chịu một vết rạch nhỏ 5mm.
Ung thư vú tiến triển rất âm thầm. Với phương pháp hiện đại, nếu bệnh nhân tầm soát và phát hiện sớm sẽ có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn rất cao.
Do đó, bác sĩ Minh khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 18 tuổi trở lên) nên tự khám vú vào một ngày cố định trong tháng, tốt nhất là ngày thứ 7-10 kể từ ngày đầu chu kỳ kinh, nhờ đó những thay đổi bất thường ở vú sẽ được người bệnh cảm nhận được đầu tiên.
Theo Bộ Y tế, ở một số quốc gia Đông Nam Á, bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn I, II có tỷ lệ sống sau 5 năm có thể từ 80,7%-94,4%, trong khi nếu chẩn đoán ở giai đoạn III, IV chỉ là 23,3%-59,7%.
Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên khám chuyên khoa về vú 1 năm/lần, cần được bác sĩ đánh giá mức độ nguy cơ ung thư vú để lựa chọn phương pháp sàng lọc phù hợp, từ 40 tuổi trở lên nên được chụp X-quang vú để sàng lọc ung thư vú.
Người có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú gồm: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormon nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi, chế độ ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên… Những người này nên siêu âm tuyến vú, chụp X-quang vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú 6 tháng đến 1 năm/lần.