Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ

Nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú là cán bộ lão thành Tiền khởi nghĩa, năm nay 98 tuổi, 77 năm tuổi đảng, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đã từng là phóng viên Báo Nhân Dân, vợ Cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tướng Lê Quang Đạo đã có một số lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác, bà đã gửi bài viết này chia sẻ với độc giả.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 8/3/1961. Tác giả ngồi hàng đầu, thứ ba từ trái sang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 8/3/1961. Tác giả ngồi hàng đầu, thứ ba từ trái sang.

Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ

Hà Nội năm 1946. Hai tháng sau khi tôi được kết nạp vào Đảng, đồng chí phụ trách ban đưa cho tôi một mảnh giấy:

- Có công tác đặc biệt.

Tôi tròn mắt sung sướng:

- Tôi được đi đón Bác Hồ?

Những lần đi đón Bác trước đây không có đại biểu nữ, Bác phê bình: "Thanh niên đi có một chân sao?". Tôi được cử làm đại biểu nữ thanh niên Hoàng Diệu đi đón Hồ Chủ tịch. Trưởng đoàn là anh Hồ Trúc (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục).

Sau khi ký bản Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946 tại Pháp, Bác về nước trên chiến hạm Pháp đến Cảng Hải Phòng. Tàu hỏa đưa Bác từ Hải Phòng về Hà Nội, đến ga Hàng Cỏ.

Hà Nội có một ngày mùa thu rất đẹp, nắng vàng rực rỡ. Cờ bay đỏ thắm trên những mái nhà ngói đỏ và những lùm cây xanh. Mười lăm giờ rưỡi, tàu đến ga. Đồng bào đứng đông nghịt trước cửa ga và dọc hai bên đường về Bắc Bộ phủ.

Tôi đi trong đoàn đại biểu Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu. Tôi được đứng gần Bác. Không ngờ Bác giản dị thế. Tim đập rộn ràng, tôi nhìn Bác không chớp mắt. Tôi chỉ muốn nói được một câu với Bác. Lúc Bác cúi xuống, tôi cố nói:

- Thưa Bác, bây giờ thanh niên đi hai chân rồi, Bác ạ!

Bác cười, còn tôi rất sung sướng vì đã nói được một câu với Bác.

Gặp Bác Hồ ở chiến khu

Năm 1950, anh Lê Quang Đạo, chồng tôi, vào quân đội và làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Anh thường xuyên đi mặt trận. Năm 1952 anh đi chiến dịch Tây Bắc khi tôi có mang đứa con thứ 3, cháu Tây Bắc.

Vừa có con nhỏ, vừa có mang, tôi lo lắng cho công tác của mình. Gần cuối năm 1952 tôi đi dự lớp học chỉnh huấn về cách mạng Việt Nam. Lúc ấy tôi sắp sinh. Trong lớp có nhiều trí thức quân y như Giáo sư Nguyễn Khánh, Giáo sư Phạm Văn Doãn, dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Lớp học do anh Đạo phụ trách chỉ đạo.

Một hôm tôi và cháu Nguyệt Tĩnh, con gái đầu 3 tuổi, rửa chân bên bờ suối gần lớp học. Tôi chợt thấy một ông già từ phía bên kia suối đi sang. Ông đội chiếc nón Tày, quai nón to che kín hết cằm, chỉ lộ đôi mắt rất sáng. Vai ông vác một cái sào dài, trên sào vắt chiếc quần ướt, tay cầm đôi dép cao-su. Chân ông nhanh nhẹn lội qua suối. Cháu Tĩnh gọi tôi:

- Mẹ ơi, Bác Hồ kìa!

Thật bất ngờ, ông cụ vừa lội qua suối chính là Bác Hồ. Bác và đồng chí bảo vệ vào lớp học chỉnh huấn. Bác đi đến đâu mọi người chạy theo đến đấy. Tôi vừa cố theo kịp Bác vừa vòng tay ra trước che bụng, đề phòng mọi người chen lấn. Bác vui vẻ nói chuyện với học viên. Lúc trở về lán, đi qua giàn bầu gia đình tôi trồng tăng gia, một đồng chí ngạc nhiên:

- Sao dây bầu nhỏ mà quả to đến thế?

Bác đùa:

- Chú nhìn cô Đạo đấy, cũng giống thế đấy thôi.

Vào nhà, thấy cháu Thắng Lợi, con thứ hai của tôi 1 tuổi, vừa ăn bột vừa khóc, Bác đùa với cháu:

- Thằng bé này hay thật, đã được ăn mà còn khóc.

Từ chỗ Bác ở đến lớp học phải qua nhiều con suối, nhưng Bác vẫn đến tận nơi động viên lớp học. Bác nhắc nhở:

- Phơi quần áo cẩn thận, máy bay "bà già" vẫn săm soi đấy!

Được ăn cơm với Bác Hồ ở Matxcơva

Những năm 1961-1964, tôi sang Liên Xô học 3 năm tại trường Đảng Lênin ở Matxcơva, trường đào tạo các cán bộ Đảng cho Liên Xô và các đảng bạn. Năm 1962, Bác Hồ sang Matxcơva dự Đại hội Đảng lần thứ 22 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong đoàn đi với Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị.

Một ngày chủ nhật, có cán bộ sứ quán Việt Nam ở Matxcơva đến trường Đảng gặp tôi:

- Anh Nguyễn Chí Thanh nói tôi đưa chị sang gặp các anh.

Tôi được đưa đến một biệt thự của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ngôi nhà trước đây Stalin từng ở. Vừa bước vào cổng biệt thự, tôi đã thấy anh Thanh đứng giữa sân và đưa cho tôi một phong thư:

- Quà của anh Đạo đây. Tôi đưa đến tận tay o đấy nhé.

Anh chỉ vào phòng bên cạnh:

- Bác Hồ ở phòng bên. Trưa nay, o ở lại ăn cơm với Bác.

Lần đầu tiên và là duy nhất tôi được ăn cơm với Bác Hồ.

Tôi nhớ ngoài Bác Hồ, bữa ăn chỉ có 4, 5 người, trong đó có anh Nguyễn Chí Thanh và anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác cùng hai người nữa tôi không còn nhớ tên. Chúng tôi quây quần quanh Bác bên bàn ăn.

Tôi nhớ bữa ăn có món bánh mì phết bơ. Mọi người đều cầm dao cắt một miếng bơ nhỏ. Riêng Bác, vừa cầm dao vừa cắt sửa miếng bơ. Cắt xong phần của mình và lấy các đồ ăn khác, khi tôi quay về bàn lại thấy miếng bơ vuông vức một cách thần kỳ. Dường như miếng bơ vẫn như vậy từ lúc đầu, khi chưa ai đụng dao cắt.

Lần đầu tiên được ăn cơm với Bác, tôi chỉ nhìn Bác, không nghĩ đến ăn. Bác vừa ăn vừa nói chuyện rất vui. Mọi người ăn cơm gần xong, tôi nghe tiếng Bác:

- Mọi người phải ăn hết cơm trong bát, đừng bỏ thừa nhé.

Ngoài vườn, lá rụng đầy sân. Thấy vậy, Bác lại nói:

- Các cô, các chú ăn xong nhớ dọn lá quanh vườn cho sạch nhé.

Tôi có cảm tưởng Bác xem như đang ở nhà mình, không có chút gì là khách sáo, lễ nghi.

Buổi tối anh Nguyễn Chí Thanh giữ tôi ở lại xem phim với Bác. Bác ân cần hỏi thăm tôi về sức khỏe, về việc học tập ở trường Đảng Lênin. Khi tôi chào Bác ra về, Bác trìu mến hôn má tôi. Tôi xúc động, rưng rưng nước mắt.