Ngày 20/8 (tức 23/7 âm lịch), tại di tích đình Yên Thái (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức dâng hương tưởng nhớ Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nhân 905 năm ngày mất của bà (25/7/1117 – 25/7/2022 âm lịch).
Hoàng thái hậu Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ra ở hương Thổ Lỗi (còn gọi là làng Sủi, xưa thuộc trấn Kinh Bắc, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tương truyền, trong một lần xa giá về Kinh Bắc, vua Lý Thánh Tông gặp cô gái Lê Thị Yến trong khi nàng đang hái dâu và tựa vào gốc cây lan. Ông đưa nàng nhập cung, phong làm Nguyên phi. Sau này, khi vua Lý Thánh Tông mất, bà trở thành Hoàng thái hậu. Bà thường được biết đến với tên gọi Nguyên phi Ỷ Lan, Hoàng thái hậu Ỷ Lan do có giai thoại bà gặp vua khi tựa gốc lan.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan là một trong những phụ nữ lỗi lạc nhất lịch sử nước ta. Cuộc đời bà trải qua hai lần nhiếp chính thay vua điều hành đất nước. Lần đầu tiên là thay vua Lý Thánh Tông khi ông lên đường chinh phạt Chiêm Thành, lần thứ hai là khi nhiếp chính thay con khi vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi. Bà đã góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, cùng triều thần xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, phồn thịnh, đất nước hòa bình trong thế kỷ 11 và 12.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm dâng hương tưởng nhớ Hoàng thái hậu Ỷ Lan. |
Tại lễ dâng hương, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cùng nhân dân đã ôn lại công lao to lớn của Hoàng thái hậu Ỷ Lan đối với đất nước. Trong các di tích liên quan đến cuộc đời bà, di tích đình Yên Thái có vị trí đặc biệt. Khi bà mới nhập cung, năm 1063, vua Lý Thánh Tông cho dựng cung Động Tiên, tại nơi đây nàng đã sinh Hoàng tử Càn Đức (tức Vua Lý Nhân Tông). Sau khi Hoàng thái hậu qua đời, nhân dân làng Yên Thái đã dựng đình thờ bà trên nền cung cũ, là đình Yên Thái. Đình Yên Thái có một bề dày lịch sử, lưu giữ số lượng lớn những di vật, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, nhiều về số lượng như: Bia đá, chuông đồng, Kiệu gỗ, Ngựa đá, hoành phi, câu đối, đại tự, các đồ khí tự và đặc biệt di tích còn bảo lưu được 10 đạo sắc quý. Đó là những văn bản tài liệu, hiện vật có giá trị góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, lịch sử làng, xã Việt Nam và về Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Lễ kỷ niệm 905 năm ngày hóa của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan gồm nhiều hoạt động lễ hội phong phú. Trước khi lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm và nhân dân dâng hương tại đình Yên Thái, Ban tổ chức đã tiến hành lễ rước kiệu và các lễ vật từ đình Yên Thái đi qua các tuyến phố phố cổ, khu vực bờ hồ. Trong ngày, còn có các hoạt động văn nghệ dân gian, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.