Dự lễ kỷ niệm, có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Tư lệnh Quân khu V; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện các đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Thượng Đức; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: Hôm nay, trên mảnh đất Đại Lộc anh hùng và giàu truyền thống cách mạng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974-7/8/2024).
Đây là dịp để chúng ta ôn lại chiến thắng lịch sử hào hùng, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta nói chung và trong chiến dịch giải phóng Thượng Đức nói riêng; đồng thời, đây cũng là dịp để tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm và khát vọng xây dựng và phát triển Quảng Nam ngày càng giàu, đẹp.
”Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong chiến dịch Thượng Đức nói riêng. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ và đời đời tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và địa phương dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Thượng Đức. |
Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết gửi đến các đồng chí cựu chiến binh, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có người tham gia chiến dịch giải phóng Thượng Đức năm xưa lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm chân thành, lời tri ân sâu sắc nhất.
Diễn văn trình bày tại buổi lễ nêu rõ: Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6/6/1974, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 304 ở khu vực sông Bung (huyện Nam Giang, Quảng Nam), Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304, một lần nữa đồng chí nhấn mạnh: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trị là giải phóng và bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân”.
Sáng 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 và của tỉnh đã tiêu diệt cứ điểm Ba Khe, Gò Cấm, đồi Mồ Côi, Lục Nam, bao vây cứ điểm động Hà Sống. Tại cứ điểm Thượng Đức, lực lượng của Sư đoàn 304 của ta gặp khó khăn không phát triển được, phải dừng để làm công tác tư tưởng, tổ chức lại lực lượng, chuyển chiến thuật từ đánh ngay thắng ngay sang “bao vây đánh lấn”.
Lực lượng vũ trang của tỉnh làm nhiệm vụ tấn công các chốt quân sự của địch, giải phóng nhân dân ra khỏi khu đồn. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, sử dụng chiến thuật hiệu quả, đến 8 giờ 30 phút sáng ngày 7/8/1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên chi khu quân sự Thượng Đức, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch.
Chiến thắng Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 về trình độ và khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Từ tháng 8 đến tháng 12/1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực địch, gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.
Từ tháng 8 đến tháng 12/1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực địch, gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Chiến thắng Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 về trình độ và khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch.
Chiến thắng Thượng Đức là một trong những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam, có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, tạo nên những cơ sở thực tiễn vững chắc để Bộ Chính trị xây dựng quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.
Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này-Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân lịch sử năm 1975”.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, Chiến thắng Thượng Đức đã khẳng định được sức mạnh to lớn của tình đoàn kết quân dân. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân huyện Đại Lộc với bộ đội chủ lực trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng vang dội đó. Chiến thắng Thượng Đức đã làm sáng tỏ chân lý: Sức mạnh quân đội được kết tinh từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng cộng với sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết được hun đúc từ ngàn đời của nhân dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng mọi kẻ thù.
Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng sinh động cho lòng yêu nước của nhân dân ta, tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của quân đội ta; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhìn nhận, 50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là bài học về đánh giá, dự báo đúng tình hình; bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; bài học về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; bài học về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, với truyền thống cách mạng kiên cường, với ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng.
Minh chứng rõ nhất là sau hơn 27 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam: chủ động sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động...
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Thượng Đức. |
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, dấu ấn nổi bật đó là sự bức phá rất nhanh về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từ một tỉnh nghèo, thuần nông phải nhận trợ cấp hơn 70% của Trung ương, sau 20 năm tái lập, từ năm 2017, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Và đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung; Quy mô GRDP đạt hơn 5,5 tỷ USD, xếp thứ 26/63 tỉnh thành; Quy mô ngân sách năm cao nhất đạt 33.000 tỷ đồng. Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi thay tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt; thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội; giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm với nhiều kết quả nổi bật; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn; vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định.
”Tại khu vực Thượng Đức xưa, bức tranh kinh tế cũng đang ngày càng khởi sắc. Từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh 50 năm trước, đến nay, các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn của huyện Đại Lộc đã có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi, trường, trạm y tế được đầu tư, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, tiềm năng thế mạnh của vùng đồi núi được khai thác hợp lý thông qua các hình thức kinh tế trang trại, vườn đồi. Các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Nhân dân vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, công cuộc đổi mới của Đảng, sự đổi thay của quê hương, đất nước”, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ.
Sau phần lễ kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử”, gồm 3 chương: Chương I-Bản hùng ca bất tử; Chương II-Quê hương cách mạng; Chương III-Tiếp bước đi lên...
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và đại phương đã dâng hoa, viếng hương tưởng niệm tại Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức...