Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng đại diện các bộ, ngành liên quan và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế được thành lập ngày 24/8/1923 với tên gọi ban đầu là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định) - một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ cung đình Nguyễn như: sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc tế lễ, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn.
Lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành liên quan tham dự lễ kỷ niệm. |
Ngoài ra, bảo tàng còn có một sưu tập các tác phẩm điêu khắc Chămpa độc đáo và đa dạng. Điện Long An, nơi trưng bày chính của Bảo tàng, là một trong những tòa kiến trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam ngày nay và là một trong những di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, ông Hoàng Việt Trung cho biết: “Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là một bộ phận cấp thiết của quần thể di tích Huế, là một thiết chế đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình lịch sử của vùng đất Huế. Kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định – Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là dịp để đánh giá những thành tựu đã đạt được và cũng như đặt ra các mục tiêu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài nhằm đưa Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày càng phát triển”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương tặng lẵng hoa chúc mừng. |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đa dạng hình thức sưu tập cổ vật từ trong nước và người yêu cổ vật nước ngoài. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh về hệ thống hiện vật góp phần thỏa mãn nhu cầu dành cho nhân dân và du khách”.
Đến tham dự chương trình nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm đã chia sẻ: “Xây dựng văn hóa dân tộc thông qua các hiện trạng lịch sử hiện vật là điều cực kì quan trọng. Với tinh thần như vậy, tôi mong rằng tới đây tỉnh sẽ có chương trình dự án cụ thể để thực hiện lời chỉ thị của Thủ tướng là phải xây dựng một Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế to hơn, đẹp hơn, có chất lượng hơn và thu hút nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đến cùng nghiên cứu về văn hóa Cung đình Huế”.
Trải qua 100 năm tồn tại, ngày nay, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang quản lý hơn 9.000 hiện vật, với gần 20 sưu tập (collection) được phân loại dựa trên các yếu tố: loại hình, chất liệu, chức năng, giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Trong đó, đáng chú ý là các sưu tập: đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (hơn 2.000 hiện vật), gốm Việt Nam thế kỷ XIV-XIX (gần 200 hiện vật), gốm sứ Trung Hoa thời Nguyên-Minh-Thanh (gần 3.000 hiện vật), đồ sứ châu Âu thế kỷ XIX-XX (hơn 500 hiện vật), đồ gỗ thời Nguyễn (gần 300 hiện vật), đồ đồng thời Nguyễn (hơn 100 hiện vật), pháp lam Huế (gần 100 hiện vật), trang phục cung đình thời Nguyễn (hơn 120 hiện vật), ấn triện thời Nguyễn, nhạc khí thời Nguyễn, súng thần công, tranh gương cung đình Huế, cổ vật Chămpa (gần 100 hiện vật)… Có những sưu tập hiện vật đồ sộ, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kinh tế, được coi là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm phát biểu chia sẻ tại buổi lễ. |
Đánh dấu hành trình 100 năm thành lập Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (24/8/1923-24/8/2023), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức triển lãm, trưng bày tại số 3 Lê Trực, Huế vào chiều 24/8, các báu vật của Hoàng đế Khải Định - người có công “khai sinh” ra bảo tàng này.