Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống ma túy học đường cho sinh viên Đại học Huế

Việc trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống ma túy học đường cho sinh viên Đại học Huế là vấn đề cần thiết trong thời đại công nghệ hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Huế tham gia chương trình tập huấn “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và ma túy học đường”.
Sinh viên Đại học Huế tham gia chương trình tập huấn “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và ma túy học đường”.

Chiều 7/12, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Huế phối hợp Công ty Lộc Gia, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và ma túy học đường” cho sinh viên khóa 233 năm 2023.

Phát biểu tại khai mạc tập huấn, Thượng tá Nguyễn Xuân Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Huế cho biết, đây là một nội dung quan trọng, ý nghĩa bên cạnh công tác giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng, an ninh. Các chuyên gia giới thiệu các chuyên đề là những người có kinh nghiệm, tâm huyết với phương pháp truyền đạt dễ hiểu sẽ góp phần thành công của chương trình lần này.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống ma túy học đường cho sinh viên Đại học Huế ảnh 1

Thượng tá Nguyễn Xuân Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học Huế phát biểu tại chương trình.

Chương trình tập huấn “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và ma túy học đường” cho sinh viên nhằm tổ chức quán triệt các văn bản, quy phạm pháp luật về ma túy học đường, kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho sinh viên; đồng thời nhằm giáo dục cho sinh viên những kỹ năng phòng tránh cần thiết về ma túy học đường và cách sử dụng mạng an toàn trong quá trình cập nhật thông tin và truy cập mạng.

Tại chương trình đã diễn ra báo cáo chuyên đề “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn” do Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Bộ Công an trình bày. Theo Thượng tá Hiếu, hiện nay nguy cơ mạng xã hội là thiếu kiểm chứng, thông tin khó xác định nguồn, có động cơ như lừa đảo, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc nên phức tạp và gây nhiễu loạn.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống ma túy học đường cho sinh viên Đại học Huế ảnh 2

Thượng tá, Đào Trung Hiếu - chuyên gia Bộ Công an trình bày báo cáo chuyên đề “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn” tại buổi tập huấn.

Ngoài ra, đây cũng là công cụ để kẻ xấu phát tán những thông tin sai sự thật nhằm thực hiện các mưu đồ, lợi ích cá nhân, xâm hại quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đặc biệt còn là môi trường hoạt động của nhiều tội phạm nên khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội không nên đăng đầy đủ lý lịch trích ngang bản thân, cùng các thông tin cá nhân cơ mật như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, số điện thoại, địa chỉ nhà, cơ quan, ảnh con cái, trường học,... lên mạng xã hội.

“Chỉ nên đăng tải hoặc chia sẻ những thông tin hữu ích, nhân văn, hướng thiện, có mục đích xây dựng. Sử dụng ngôn từ có văn hóa, nên hóm hỉnh, hài hước, tạo niềm vui cho cộng đồng, bạn bè trên mạng. Không nên đăng tải hoặc chia sẻ, bình luận về các thông tin chưa rõ nguồn gốc và độ chính xác”, Thượng tá Đào Trung Hiếu thông tin.

Chuyên đề “Phòng chống ma túy học đường” do Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn - chuyên gia Bộ Công an trình bày cũng đưa ra nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên như khái niệm chất ma túy, các loại chất ma túy hiện nay, phân loại ma túy, tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe con người... từ đó đưa ra cách phòng tránh các loại chất ma túy để trang bị cho sinh viên.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống ma túy học đường cho sinh viên Đại học Huế ảnh 3

Phần giao lưu của sinh viên về chủ đề các chất ma túy được hưởng ứng tích cực, tạo sự sôi nổi của chương trình.

Các sinh viên đã hào hứng tương tác với báo cáo viên, trả lời những câu hỏi thông dụng về kiến thức phân biệt ma túy; phòng chống tác hại ma túy và nhận được những phần quà từ chương trình.

Trong khuôn khổ của chương trình, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - nguyên Tổng Biên tập báo Công an nhân dân cũng đã có những chia sẻ thêm một số nội dung kiến thức bổ ích về “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và bạo lực học đường”, được nhiều sinh viên quan tâm và hưởng ứng.

Thông qua chương trình này, cán bộ, giảng viên và sinh viên sẽ vận dụng được tốt trong thực tiễn đời sống, nâng cao chất lượng tuyên truyền, làm tốt công tác phòng chống hiểm họa từ ma túy, nâng cao kỹ năng phòng chống ma túy góp phần xây dựng nhà trường, địa phương, cơ quan, văn minh, lành mạnh.