Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội

Cùng với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, mạng xã hội ra đời đã trở thành phương thức liên lạc mới, tạo ra nhiều tính năng tương tác quan trọng trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội, mà nhất là Facebook ngày càng bộc lộ mặt trái tiêu cực khi có quá nhiều cá nhân, tổ chức tham gia và lợi dụng để thực hiện những hành vi tiêu cực, những hành vi thiếu văn hóa, gây ảnh hưởng đến luật pháp cũng như thuần phong mỹ tục…
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người trẻ tiêu tốn thời gian vào việc lên mạng xã hội. Ảnh: NAM ANH
Nhiều người trẻ tiêu tốn thời gian vào việc lên mạng xã hội. Ảnh: NAM ANH

1/Trong những thập kỷ gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhất là khi internet ra đời, các mạng xã hội và hệ sinh thái cũng bùng nổ. Với tốc độ chuyển tải và lan tỏa cực kỳ nhanh chóng. Không thể phủ nhận được lợi ích và hiệu quả to lớn mà mạng internet và các mạng xã hội mang lại cho đời sống nhân loại. Nhiều người tham gia vào mạng xã hội để khai thác những tiện ích và lợi ích của mạng xã hội như: học tập, trao đổi và tìm kiếm thông tin; kinh doanh; đọc, viết…

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người, nhiều tổ chức lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hoạt động, những hành vi cực đoan, phản văn hóa, phản giáo dục… gây nên nhiều hệ lụy xấu và phức tạp đối với trật tự xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục và đời sống sinh hoạt cộng đồng.

2/Có thể nói, mạng xã hội là một mảnh đất màu mỡ và phong phú để người ta có thể đưa lên, đổ lên đó tất cả những gì người ta muốn, tất cả những trạng thái tinh thần, suy nghĩ, tư tưởng tích cực lẫn tiêu cực… Có rất nhiều người thể hiện những hành vi, trạng thái hết sức “hồn nhiên” mang ý thức, ý muốn hoàn toàn cá nhân mà không hề nghĩ đến những hệ quả đối với cộng đồng, thậm chí là ngay với chính bản thân mình. Chỉ với một công cụ là chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể tham gia, hoạt động trên thế giới ảo của mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Mỗi ngày, luôn bắt gặp những hình ảnh ở công sở, quán cà-phê, nhà hàng, vỉa hè, công viên… người người chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay, lướt phím, đăng ảnh, viết lách… đến quên tất cả những gì đang diễn ra chung quanh, quên cả giao tiếp, chuyện trò với nhau.

Thực tế hiện nay, thế giới ảo từ các mạng xã hội đang càng ngày càng tạo nên những hệ lụy thật, đang tạo nên một sự diễn biến xấu đến đời sống tâm hồn và làm cho nhiều người mê muội trên xã hội ảo mà “quên” mất đời sống thật. Không ít người lớn tuổi thì càng ngày tỏ ra thiếu bình tĩnh, thiếu thận trọng, tự do quá đà khi tham gia vào đời sống ảo. Một số người có danh tiếng trên mạng xã hội đã thể hiện và đưa lên mạng những thông điệp cực đoan, lệch lạc như: chửi rủa; lừa đảo; công kích lẫn nhau về giới tính… vô tình đã làm tác động đến những người trẻ với cái nhìn hết sức lệch lạc. Liệu con cái sẽ ra sao khi lên mạng đọc được những lời lẽ thô tục, những trạng thái hằn học, ganh ghét… của cha mẹ mình. Liệu như thế con cháu mình sẽ nhìn bố mẹ, anh chị, sẽ nghĩ về người lớn thế nào. Liệu rồi người trẻ sẽ hoàn thiện nhân cách và định hướng tương lai ra sao? Tất cả những điều đó cho thấy, mạng xã hội đang từng ngày từng giờ làm tha hóa tâm hồn một bộ phận không nhỏ những người tham gia vào mạng xã hội mà không chỉ riêng người trẻ.

Đặc biệt là với lớp người trẻ, ảnh hưởng của việc say sưa với thế giới ảo mà gây nên rất nhiều những hệ lụy khôn lường trong thế giới thật. Rất nhiều người trẻ coi việc tham gia và lên mạng xã hội như một phản xạ tự nhiên tất yếu. Lên mạng bất cứ lúc nào, thích là lên, bất cứ chỗ nào miễn có sóng là lên. Từ trên mạng, những người trẻ tham gia hoặc bị “hấp dẫn” bởi các thông tin, các hoạt động của tất cả các thành phần, các đối tượng xã hội cũng như các trạng thái, các hình ảnh được đưa lên mạng. Những người trẻ được tự do tiếp cận, tự do kết nối, tương tác, giao lưu, chia sẻ… không giới hạn một cách rất “hồn nhiên” mà không cần biết và phân biệt đâu là thật, giả, tốt xấu… miễn là thấy vui. Rồi cũng chính sự tham gia, kết nối, tương tác một cách tự do không chọn lựa do tất cả những trạng thái từ vui, buồn, hờn, giận, khúc mắc tình cảm, khúc mắc gia đình… đều được đưa lên mạng. Từ tiếp xúc và tương tác với những trạng thái này đã nảy sinh diễn biến tâm lý tiêu cực như cáu kỉnh, tức tối, giận dỗi, hiểu lầm, bế tắc… Với người trẻ, những trạng thái tiêu cực ấy rất dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, thậm chí manh động, vì tính hiếu thắng và thích thể hiện luôn có của người trẻ.

Xã hội phát triển, cuộc sống hiện đại đòi hỏi nhiều bận rộn lo toan hơn, nhiều gia đình đã cho con trẻ tiếp xúc với mạng xã hội rất sớm mà thiếu sự kiểm soát, nhắc nhở. Một thực tế là: đối với người trẻ, càng tham gia sâu vào mạng xã hội không những không mở rộng được sự kết nối, tương tác, mà ngược lại càng sâu trên cõi ảo thì càng thấy cô đơn. Có nhiều người trẻ đang ở lứa tuổi học trò đã quá say mê với đời sống ảo mà sao nhãng, chểnh mảng việc học hành, quên cả những sinh hoạt, hoạt động ở đời sống thật, ngại tiếp xúc với mọi người, sống khép kín với cõi ảo của riêng mình, để rồi ảnh hưởng đến sức khỏe, thị giác kém, lực học yếu đi, áp lực gia đình và tính sĩ diện, lòng tự trọng… mà trở nên trầm cảm. Cũng có không ít những người trẻ quá mê, quá tin vào cõi ảo, thiếu sự tỉnh táo, đã sa vào chuyện yêu đương, tình cảm trai gái… để rồi khi thất vọng thì sẵn sàng làm những hành động tiêu cực, thậm chí hủy hoại bản thân.

Nhiều hoạt động tiêu cực trên mạng xã hội rất đa dạng, phức tạp… Tựu trung lại ở những loại hình sau: Kích động dư luận, kích động cộng đồng mạng; chửi đổng trên mạng; lợi dụng, lừa đảo trên mạng xã hội; lợi dụng để tổ chức các hoạt động chống phá chế độ, chống phá Nhà nước, tổ chức gây rối trật tự công cộng, trật tự an ninh xã hội…

3/Chỉ có văn hóa mới đẩy lùi được tha hóa một cách hiệu quả và bền vững nhất. Văn hóa là nền tảng, là cốt lõi của một dân tộc trong mọi thời đại, là sức mạnh để bảo đảm sự trường tồn và phát triển xã hội của quốc gia.

Vì vậy, hơn lúc nào hết văn hóa phải được đề cao, phải được coi là phương tiện, là công cụ và giải pháp để kiềm chế và đẩy lùi những hệ lụy, tiêu cực, những nguy cơ làm tha hóa con người. Đưa văn hóa vào tất cả hoạt động của xã hội, của đời sống. Những giá trị truyền thống lịch sử tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của dân tộc phải được coi trọng và khai thác tối đa. Văn hóa là động lực và mục tiêu của phát triển. Do vậy, văn hóa phải luôn song hành với các hoạt động, học tập của xã hội, phải trở thành một nguồn vốn song hành với đời sống mỗi người.

Muốn được như vậy, cần phải xây dựng một chiến lược lâu dài về văn hóa với đầy đủ và đồng bộ từ luật pháp đến các chương trình phát triển văn hóa. Tạo ra sự thống nhất, hài hòa giữa phát triển văn hóa với phát triển xã hội, phát triển kinh tế, giữa bảo tồn, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc với chọn lọc tiếp cận và tiếp nhận văn hóa thế giới.

Cần xây dựng chương trình giáo dục, truyền bá văn hóa một cách khoa học, cân bằng, đầy đủ giữa văn hóa với phát triển chung. Định hướng phát triển phải xác định được tầm quan trọng của văn hóa để có sự đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa, nhằm phát huy được tối đa các giá trị văn hóa vào phục vụ cho phát triển chung.

Cần xây dựng môi trường xã hội, môi trường sống văn minh, lành mạnh. Bảo đảm cho con người được sống an toàn, thân thiện với môi trường sống, môi trường thiên nhiên trong lành, sạch sẽ, học tập, sinh hoạt.

Xây dựng và tạo ra sự đa dạng các hình thức sinh hoạt, hoạt động văn hóa trong việc giáo dục, sản xuất, nghỉ ngơi, vui chơi cho mỗi cộng đồng, tổ chức, trường học, gia đình và cá nhân mỗi con người.

Cùng với đó, quan tâm đầu tư nhiều hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của con người như: tăng cường các dịch vụ công ích, giải trí, chữa bệnh, an sinh xã hội, bảo hiểm… để con người có nhiều hơn cơ hội được học tập, cống hiến và giảm bớt những lo toan, bớt đi những tham sân, đau khổ.

Về luật pháp và quản lý, dù đã có hành lang pháp lý với những quy định để quản lý văn hóa, quản lý mạng xã hội; đã có các cơ quan, tổ chức, lực lượng có chức năng, nhiệm vụ theo dõi, quản lý và kiểm soát không gian mạng; tuy vậy, hệ thống mạng xã hội, đặc biệt là mạng Facebook ở Việt Nam ngày càng trở nên hỗn độn, lệch lạc và tự do thái quá… Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến văn hóa, đời sống và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tác động xấu đến quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của lớp người trẻ. Các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý hệ thống mạng xã hội bằng các biện pháp và chế tài có hiệu lực để làm cho mạng xã hội thật sự là những phương tiện, lợi ích phục vụ con người, phục vụ xã hội.