50 năm nối nhịp đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Kỳ 2: Trông con, đợi nước nhà thống nhất

NDO -

Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc giai đoạn 1954-1975 đã đẩy những người cùng chung một nguồn cội, là con cháu Lạc Hồng về hai phía nhưng trong họ luôn mang trong lòng một tình yêu như nhau với quê hương, đất nước và cùng chung khát vọng hòa bình. Những người lính ấy cũng như thế hệ hôm nay luôn khát vọng về sự đoàn tụ, hòa hợp dân tộc.

Thạch Hãn, dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị.
Thạch Hãn, dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị.

Đó là những mầm xanh mạnh mẽ để xóa đi sự hận thù, mặc cảm về quá khứ, góp phần hàn gắn nổi đau, làm nên sức mạnh sự hòa hợp của những người từng ở hai bên dòng sông, hai bên chiến tuyến, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị, đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Tình nguyện trở lại làm lính Giải phóng quân

Ông Dương Quyết Chiến năm nay 72 tuổi, ở khu phố 4, phường 1, thành phố Đông Hà nhớ lại nỗi đau những ngày đất nước bị chia cắt. Quê ông Chiến ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, bờ nam sông Thạch Hãn.

Sống dưới chế độ chính quyền miền nam cũ, cha tập kết ra bắc, ông ở nhà với mẹ, là cơ sở cách mạng từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là người con trai duy nhất của gia đình nhưng đến năm 1970 bị chính quyền miền nam cũ bắt đi lính nghĩa quân ở xã rồi đưa vào quân chính quy thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 56 bộ binh.

Những ngày đó, cũng như không ít những người mẹ khác, mẹ ông Quyết rất đắng cay trước hoàn cảnh éo le của đất nước cũng như gia đình và quê hương. Thương mẹ cha, những ngày đi lính, ông Chiến nhiều lần tìm cách trốn, nhưng đều thất bại. Rồi cơ hội đến, năm 1972, trong một lần tiểu đoàn của ông hành quân đến địa bàn huyện Cam Lộ, sát vị trí đồi 241 nay là xã Cam Thành, ông cùng nhiều người bỏ hàng ngũ về với cách mạng. Giao liên của Quân giải phóng dẫn ông cùng những người lính phản chiến băng rừng đi bộ ra đến Nghệ An.

Tại đây, ông được giáo dục, rèn luyện rồi tình nguyện xin trở thành chiến sĩ Quân giải phóng. Tháng 6/1973, ông được phiên chế vào tiểu đoàn 72 rồi tiểu đoàn 8 của Tỉnh đội Quảng Trị tham gia phóng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho đến ngày đất nước thống nhất. Bây giờ, ông Chiến là cựu chiến binh, hằng ngày sinh hoạt cùng hội đoàn thể khu phố. Các con ông được học hành đàng hoàng, trong đó có người con trai đang là giảng viên Trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng.

Những người mẹ suốt đêm thao thức không ngủ

Sau khi Hiệp định Genève ký kết năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền bắc-nam. Đó không chỉ là sự chia cắt về giới tuyến tự nhiên, mà chia cắt về lòng người. Những ngày ấy, nhiều gia đình ở bờ nam sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 trở vào có chung nỗi đau hai chiến tuyến trong một nhà. Câu chuyện bi thương về tình cảm con người kéo dài dằng dặc trong mỗi gia đình.

50 năm nối nhịp đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải - Kỳ 2: Trông con, đợi nước nhà thống nhất -0
Nỗi đau những năm đất nước còn chia cắt, trong một gia đình, anh trai Lê Thanh Huynh (bên phải) thì đi bộ đội, còn ông Lê Thanh Ngạnh bị chính quyền miền nam cũ bắt đi lính.

Ông Lê Thanh Ngạnh năm nay 70 tuổi, ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng nhớ lại những ngày thương đau của quê hương, đất nước. Mẹ ông buồn đứt ruột khi ông bị chính quyền miền nam cũ bắt đi lính vào năm 1972, phiên chế vào sư đoàn 3 công binh ở Đà Nẵng. Trong lúc đó toàn bộ gia đình ông đều theo cách mạng. Bố ông là liệt sĩ, mẹ là thương binh, anh trai đang bị chính quyền miền nam cũ bắt tù ở Côn Đảo, em trai đang đi bộ đội. Mẹ ông đêm nào cũng thao thức không ngủ, cầu mong các con sớm được trở về lành lặn và luôn khát khao trông đợi ngày đất nước hòa bình.  

Sau năm 1975, nhờ sự yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu của bà con quê hương đã giúp ông Ngạnh sớm thành người tiến bộ. Ông được trưng dựng làm kế toán của Hợp tác xã Thượng Xá, xã Hải Thượng.

Nhờ sự phấn đấu không ngừng ông Ngạnh được kết nạp vào Đảng. Ông Ngạnh chia sẻ, đất nước không chỉ luôn tri ân đồng bào, đồng chí vì nghĩa lớn mà còn luôn nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết. Các con của ông hôm nay đã trưởng thành. Người con trai lớn đang là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của thị xã Quảng Trị. Người con gái tốt nghiệp đại học, nay đang kinh doanh buôn bán tự do, tất cả đều có cuộc sống hạnh phúc.  

Cũng như nhiều địa phương khác, sau ngày nước nhà thống nhất, người dân Quảng Trị dù ở tại quê hương hay mọi miền đất nước đều chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc, trong đó, có sự đóng góp sức lực, trí tuệ của không ít con, cháu của những người lính chế độ miền nam cũ. Họ được Đảng và chính quyền trọng dụng, giữ các vị trí quan trọng ở các cơ quan, đơn vị; họ luôn tự hào được cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình để góp sức xây dựng quê hương.

50 năm nối nhịp đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải - Kỳ 2: Trông con, đợi nước nhà thống nhất -0
Ông Lê Phước Chiểu (bên trái) và ông Lê Thanh Ngạnh luôn mong muốn đất nước vĩnh viễn xóa đi vết thương chiến tranh để hòa hợp dân tộc.

Ông Lê Phước Chiểu năm nay 74 tuổi, ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng cho biết, sống trong lòng chế độ miền nam cũ những ngày đất nước chưa thống nhất người dân quê ông luôn nơm nớp nỗi lo thanh niên bị bắt lính. Cha ông là thương binh thời kỳ chống thực dân Pháp, mẹ ông cũng theo cách mạng, em ruột đi bộ đội vào năm 1972, trớ trêu thay, ông và em út lại bị bắt lính bộ binh. Những ngày đó, ông sợ nhất là phải cầm súng bắn lại anh em bà con mình, nhưng may mắn điều ấy vẫn chưa xảy ra với ông.

Luôn giữ vững truyền thống cách mạng của quê hương và nêu cao tinh thần phản chiến, tháng 4/1972, anh em của ông tự nguyện bỏ hàng ngũ của quân đội chính quyền miền nam để về với cách mạng.

Ngày anh em ông Chiểu xuất hiện ở nhà, cha mẹ ông mừng rơi nước mắt. Bởi vì ước mơ cháy bỏng của những người làm cha mẹ thời chiến tranh là những đứa con dù ở phương nào thì đều được trở về hiển hiện trước mắt họ bằng da bằng thịt lành lặn. Đó là niềm hạnh phúc không có gì bằng.

Ông Chiểu tự hào khi con trai đầu của ông nay là Thị ủy viên, là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Quảng Trị; con trai thứ hai là Phó Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; con trai út tốt nghiệp đại học, đang công tác trong ngành viễn thông của quân đội.

Ông Chiểu và ông Ngạnh chia sẻ, vì hoàn cảnh chiến tranh chứ không ai muốn đi lính chế độ miền nam cũ phản bội lại quê hương. Các ông luôn mong muốn đất nước vĩnh viễn xóa đi vết thương chiến tranh, sự ngăn cách để người dân luôn sống trong niềm vui hòa hợp của dân tộc.

Bao dung tình người

Tại thôn Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, bờ nam sông Bến Hải, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trọng Bường năm nay 74 tuổi, đang xây lại lăng mộ cho ông bà và cha mẹ mình.

Ông Bường nguyên là lính trinh sát thuộc K8 tỉnh đội Quảng Trị. Trong chiến dịch 81 ngày/đêm chống quân đội Mỹ và quân đội chính quyền miền nam cũ phản kích tái chiếm Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông tham gia bắt đầu từ ngày thứ sáu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Đối với ông Bường những ngày ở Thành cổ Quảng Trị là thời điểm khốc liệt nhất trong cuộc đời người lính với chồng chất bom đạn của chiến tranh, sự sống và cái chết luôn kề bên.

50 năm nối nhịp đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải - Kỳ 2: Trông con, đợi nước nhà thống nhất -0
Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Bường hôm nay.

Gia đình ông phần lớn tham gia cách mạng. Anh ruột của ông là liệt sĩ Nguyễn Công Điền, hy sinh trong một trấn đánh vào năm 1967 tại quê hương; em ruột Nguyễn Minh Thọ là du kích xã Trung Giang. Nhưng đau đớn là người em ruột Nguyễn Công Dục thì bị chính quyền miền nam cũ bắt đi lính ở Đà Nẵng và sau đó chết do bệnh tật. Những ngày đó, cha mẹ ông Bường khóc không còn nước mắt nhưng do hoàn cảnh đất nước, chính quyền miền nam cũ tăng cường bắt những người trong độ tuổi đi lính nên không làm sao thoát được. Thôn Cát Sơn ở sát bờ biển, bây giờ trù phú, bình yên. Người dân sống chủ yếu bằng nghề biển và dịch vụ, họ đối xử với nhau hằng ngày bằng sự bao dung che chở đầy tình người.

50 năm, thời gian lùi xa đủ để chúng ta hiểu sâu sắc hơn nữa về những đau thương, mất mát, sự trả giá của chiến tranh cũng như sức sống mãnh liệt của dân tộc vượt qua khắc nghiệt của lịch sử. Hoàn cảnh của gia đình ông Chiến, ông Ngạnh, ông Chiểu và ông Bường rất giống với hàng nghìn gia đình của tỉnh Quảng Trị sinh sống từ bờ nam sông Bến Hải trở vào.

Hôm nay, trong mỗi chúng ta đều mong muốn vĩnh viễn xóa đi vết thương chiến tranh để tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng. Lẽ phải và sự bao dung cao thượng đó là giá trị nhân văn cao cả luôn thu phục lòng người để tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc.

(Còn tiếp)