Kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ
Bà Trương Thị Cẩm Em, hơn 10 trồng khoai lang tím Nhật ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ đầu tháng 5/2021 khi đợt dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại ở một số tỉnh thì tình hình tiêu thụ khoai lang đã có dấu hiệu chững lại.
Nữ nông dân 61 tuổi nói: “Khoảng giữa tháng 5 là không còn thương lái thu mua nữa, khoai lang bị ế hàng, dội chợ, thu hoạch rồi đổ đống ngoài ruộng, giá cũng tuột dốc không phanh, chỉ còn 300 đồng/kg”. Từ đó, các tổ chức đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố lân cận đã kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Bình Tân để giúp nông dân “cắt lỗ” và được hưởng ứng mạnh mẽ.
Chị Thu Minh, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, thông qua người bạn công tác ở Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long làm cầu nối, chị đã giúp nông dân tiêu thụ hàng chục tấn khoai lang tím. “Giá khoai lang tím tại ruộng rẻ lắm, chỉ 300 đồng/kg. Với giá này nông dân coi như lỗ trắng tay nên tôi yêu cầu họ thu hoạch rồi cho vào từng túi 20kg, vận chuyển sang nhà tôi tại TP Cần Thơ để tôi bán với giá 3.000 đồng/kg. Đây là giá bán hỗ trợ cho nông dân chứ tôi không hưởng tiền chênh lệch, trong khi phải huy động cả nhà tham gia giao hàng, thu tiền thay cho nông dân”, chị Thu Minh chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam tổ chức “Chiến dịch Khoai lang nghĩa tình” và ra Thư ngỏ gửi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay chia sẻ khó khăn giúp nông dân tiêu thụ khoai lang. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị phối hợp chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang; vận động mỗi tổ chức hội cơ sở vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tiêu thụ ít nhất 500kg khoai lang/cơ sở.
Kết quả đến nay, qua các hoạt động phối hợp đã hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ được hơn 1.000 tấn. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, Phạm Tứ Phương cho biết, bằng các kênh, thông báo bằng văn bản và thông tin truyền thông đến các doanh nghiệp có khả năng kết nối tiêu thụ 970 tấn khoai lang tím.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó đầu ra như nhãn hơn 1.000 tấn, 200 tấn bắp ngọt, xoài cát Hòa Lộc, hẹ (mỗi ngày 1,5 tấn), rau cần ống, rau thơm, nấm bào ngư (1 tấn/ngày).
“Để giúp cho hội viên nông dân trong việc tiêu thụ, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cầu nối đến các siêu thị trên địa bàn như: siêu thị Go, Mega và Bách hóa xanh… Chúng tôi đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nguồn hàng hoá của địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Hàng hóa nào địa phương thiếu hoặc không có mới nhận từ nơi khác chuyển về. Vừa giảm chi phí vừa góp phần bảo đảm an toàn mùa dịch và hỗ trợ được nông dân giải quyết đầu ra”, bà Trần Thị Thiên Thư nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản giúp nông dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở làm việc với các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi; các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, hộ dân về tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa, phương thức vận chuyển, thanh toán… Phối hợp tổ chức các tuần hàng, các đợt khảo sát vùng nguyên liệu… để kết nối, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh.
“Chúng tôi mời các kênh phân phối lớn, có tiềm năng tiêu thụ hàng hóa đến khảo sát vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất nông sản của Đồng Tháp và trao đổi, hợp tác liên kết, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ kết nối hàng hóa nông sản của nông dân, doanh nghiệp vào bếp ăn tập thể, khu, cụm công nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Dũng thông tin.
Lên kịch bản tiêu thụ nông sản thời Covid
Tỉnh An Giang đang vào mùa thu hoạch các loại nông sản, thế nhưng thị trường tiêu thụ và vận chuyển nông sản gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, từ nay đến tháng 9 sẽ thu hoạch 159.350 ha với sản lượng dự kiến là 890.359 tấn lúa. Riêng rau màu như: bắp trắng, bắp lai, dưa hấu, khoai cao, mè và các loại rau ăn lá… đã thu hoạch 8.806 ha, đạt 52%. Đến cuối tháng 7/2021 thu hoạch khoảng 42.000 tấn, bình quân các tháng tiếp theo thu hoạch khoảng 83.000 tấn. Theo ước tính, tiêu thụ nội địa 30%, tương đương khoảng 25.000 tấn, như vậy, còn lại khoảng 58.000 tấn nông sản các loại cần xúc tiến tiêu thụ các tỉnh khác.
Để giải quyết tình trạng trên, ngày 23-7, UBND tỉnh An Giang ban hành 2 quyết định thành lập 2 đơn vị hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trên địa bàn gồm đường dây nóng tiếp nhận xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản và Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, UBND tỉnh An Giang giao Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ là người tiếp nhận thông tin qua số điện thoại: 0913 886380 và e-mail:truongkientho@gmail.com, phụ trách đường dây nóng. Còn Tổ phản ứng nhanh gồm 22 thành viên do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm làm Tổ trưởng; bộ phận giúp việc gồm 11 thành viên, do Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng bộ phận.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bảo đảm thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, Tổ báo cáo nhanh cho Thường trực UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Bộ phận giúp việc có trách nhiệm tham mưu cho Tổ phản ứng nhanh triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Trước đó, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban hành văn bản đề nghị các đơn vị trong tỉnh và yêu cầu các tỉnh, thành phố hỗ trợ giúp địa phương trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản tiêu thụ và các mặt hàng thiết yếu.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng 3 kịch tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng như: lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít...
Kịch bản 1: Dịch bệnh được kiểm soát, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tương đối thuận lợi.
Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trong các kịch bản này, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản đến mùa vụ thu hoạch. Hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó, thị trường nội địa là chủ yếu.
Thị trường tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các sàn thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số (Online). Tập trung huy động các doanh nghiệp có kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch.