Bảo đảm an ninh nguồn nước khu kinh tế, khu công nghiệp

Kỳ 1: Khai thác nguồn nước hiệu quả

Trong những năm qua, vùng kinh tế trọng điểm miền trung phát triển với tốc độ nhanh và đạt nhiều kết quả vượt bậc. Các khu kinh tế, khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ đã tạo nhiều bước đột phá đối với kinh tế-xã hội ở các tỉnh duyên hải miền trung. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, bài toán an ninh nguồn nước được các địa phương quan tâm bởi nhu cầu nguồn nước cho ngành công nghiệp là thách thức cần được giải quyết gắn với chính sách và giải pháp phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải, Khu kinh tế mở Chu Lai.
Toàn cảnh Khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải, Khu kinh tế mở Chu Lai.

Các tỉnh duyên hải miền trung gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa có 28 khu kinh tế, khu công nghiệp, với diện tích hơn 16.880 ha, thu hút gần 1.200 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 623.800 tỷ đồng, tương đương 25,35 tỷ USD. Các khu kinh tế: Vân Phong, Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội… cùng nhiều khu công nghiệp khác là động lực thúc đẩy kinh tế vùng phát triển mạnh mẽ.

Nhu cầu sử dụng nước trong công nghiệp, dịch vụ tăng

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ tăng mạnh ở các tỉnh miền trung. Bên cạnh đó những yêu cầu nguồn nước đủ và ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh, chất lượng nguồn nước cũng được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, tổng nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa khoảng 194 triệu mét khối mỗi năm. Vùng kinh tế trọng điểm tập trung nhiều dự án công nghiệp nặng thép, cơ khí, ô-tô, lọc hóa dầu, dịch vụ cảng biển, đô thị công nghiệp… cho nên nhu cầu sử dụng nước tăng theo từng giai đoạn thu hút đầu tư từ 20-30%.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, các khu kinh tế, khu công nghiệp có nhu cầu 94 triệu mét khối nước mỗi năm; nhiều nhất là sản xuất thép, bột giấy, chế tạo thiết bị, hóa dầu. Tại Khu kinh tế Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất trị giá hơn 7 tỷ USD. Đây là dự án có nhu cầu sử dụng nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, với khoảng 73 triệu mét khối mỗi năm. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất Hồ Đức Thọ cho biết: Dự án tiếp nhận và sử dụng nguồn nước thô từ sông Trà Bồng, giai đoạn 1 sử dụng khoảng 23,7 triệu mét khối mỗi năm. Đây là lượng nước bù vào khi bay hơi và đã trừ lượng nước tuần hoàn, tái sử dụng. Nếu không thu hồi, tuần hoàn tái sử dụng nước thì nhu cầu nước của dự án là một triệu mét khối/ngày đêm.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 13 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai; thu hút 255 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký 85.100 tỷ đồng. Tổng nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp ở Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam là khoảng 38.000 m3/ngày đêm.

Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải Ngô Văn Hải cho biết: Khu công nghiệp THACO Chu Lai đầu tư lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô-tô; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông-lâm nghiệp… với tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD. Mỗi năm, khu công nghiệp này sử dụng 767.500 m3 nước, được cung cấp từ hai nhà máy nước Tam Hiệp và Tam Xuân. Với quy mô ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng nước tại khu công nghiệp 10 năm tới là khoảng 10,5 triệu m3/năm.

Theo Trưởng ban Quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang: Nhu cầu nước cho ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng cao. Nguồn nước cấp cho Khu kinh tế mở Chu Lai tương đối thuận lợi, nước thô chủ yếu được khai thác là nước mặt hồ Phú Ninh và hồ Thái Xuân có trữ lượng dồi dào, đạt chất lượng. Các khu công nghiệp khác sử dụng nguồn nước mặt khu vực lân cận theo định hướng quy hoạch của tỉnh. Nguồn nước thô bảo đảm về lưu lượng, chất lượng cung cấp cho nhà máy nước phục vụ sản xuất công nghiệp của các nhà đầu tư.

Bảo đảm cung ứng nước ổn định

Cùng với xây dựng hạ tầng cơ sở khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút đầu tư, các tỉnh duyên hải miền trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa ưu tiên nguồn lực, đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước bảo đảm cung cấp đủ, ổn định nguồn nước thô, nước sạch phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhiều tỉnh, thành phố thu hút nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp các nhà máy, hệ thống chuyển tải và trạm cấp nước; đồng thời, phân vùng cấp nước bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, không để xảy ra tranh chấp nguồn nước.

Mạng lưới sông suối dày đặc, các phụ lưu của hồ Phú Ninh, hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn tỉnh Quảng Nam; hồ chứa lớn Hoa Sơn, Đá Bàn, Cam Ranh, Suối Dầu, Tà Rục và nước từ sông Cái Nha Trang tỉnh Khánh Hòa; các sông Trà Bồng, Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi… có trữ lượng nước lớn là những nguồn thủy năng có giá trị cho ngành nông nghiệp, công nghiệp.

An ninh nguồn nước là một trong những điều kiện quan trọng, tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương. Ngay khi hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, các tỉnh duyên hải miền trung đã tính cách giải bài toán chiến lược về hệ thống điện, giao thông, nguồn nước từ 20-30 năm. Ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có 19 nhà máy nước, cung ứng 147,8 triệu mét khối cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Khu kinh tế Nhơn Hội và bảy khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định có hệ thống nhà máy xử lý nước quy mô lớn gồm: Nhà máy xử lý nước Phú Tài, Nhà máy xử lý nước phường Bình Định, Nhà máy nước sạch Quy Nhơn… với công suất hơn 37,6 triệu mét khối nước mỗi năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định Lê Tiến Dũng cho biết: Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, khu công nghiệp Becamex với xu hướng phát triển dịch vụ, đô thị, khu công nghiệp cho nên nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng. Vì vậy, đổi mới công nghệ sản xuất, cấp nước ổn định, an toàn cho sản xuất là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Hệ thống sông, hồ có trữ lượng nước thô dồi dào, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nâng cấp, mở rộng hạ tầng nước, phân vùng cấp nước cho khu kinh tế, khu công nghiệp. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam có 11 nhà máy nước, với tổng công suất thiết kế hơn 40 triệu mét khối mỗi năm; cung ứng đủ lượng nước cho Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi có sông Trà Bồng, Trà Khúc với tổng chiều dài 204 km; 126 hồ chứa nước, với tổng lưu lượng khoảng 403 triệu mét khối nước, có thể cung ứng 94 triệu mét khối cho ngành công nghiệp, dịch vụ mỗi năm. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Vinaconex Dung Quất Hoàng Nguyễn Linh Châu: Nhà máy nước Dung Quất công suất 5,5 triệu mét khối mỗi năm, cung cấp nước sản xuất công nghiệp, dịch vụ chính cho Khu kinh tế Dung Quất. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị cung cấp 17 triệu mét khối nước cho 50 nhà máy, xí nghiệp, đạt 70% công suất. Nhiều doanh nghiệp trong khu kinh tế đầu tư hệ thống cấp nước riêng cho nên nhà máy hiện chỉ cung ứng cho những công trình trọng điểm như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các nhà máy sản xuất phụ trợ. Nếu có nhiều nhà đầu tư lớn, đơn vị sẽ nâng cấp, tăng quy mô nước tương ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Ba vùng kinh tế trọng điểm gồm Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh chủ động nguồn nước, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nguồn nước chủ yếu lấy từ các sông và hệ thống 10 công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi, mỗi năm cung cấp khoảng 25 triệu mét khối nước thô cho ngành công nghiệp, dịch vụ.

Theo thống kê của các tỉnh duyên hải miền trung, hiện nhu cầu dùng nước cho công nghiệp chưa có biến động lớn, nhu cầu sử dụng thực tế thấp hơn so với đăng ký của nhà đầu tư; nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống tuần hoàn tiết kiệm nước, giảm lượng nước thải để giảm chi phí xử lý nước thải, do đó năng lực đáp ứng nguồn nước thô, nước sạch ổn định cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong khu vực.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Tỉnh Bình Định tập trung đầu tư hệ thống cấp nước và đưa các nhà máy nước hoạt động, nhằm cụ thể hóa Đồ án quy hoạch cấp nước đô thị và khu công nghiệp đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng cấp nước, khai thác sử dụng nguồn nước hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cung cấp nguồn nước sạch bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, cấp nước an toàn cho người dân và sản xuất, dịch vụ.

(Còn nữa)