Rủi ro từ các hợp đồng dịch vụ nghỉ dưỡng

Thời gian qua, nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến hợp đồng dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn (sở hữu kỳ nghỉ) được người dân phản ánh đến cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Nội dung chủ yếu của các khiếu nại là khó khăn trong việc chuyển nhượng hợp đồng, cho thuê lại kỳ nghỉ; đề nghị được hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn đã ký và yêu cầu bên bán hoàn trả lại giá trị hợp đồng đã thanh toán.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mô hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn không còn là mới mẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam mô hình kinh doanh này mới chỉ xuất hiện vào những năm gần đây. Hoạt động mua bán Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền, tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên. Bên cạnh tên gọi “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như “hợp đồng nghỉ dưỡng”, “hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “hợp đồng mua thẻ du lịch”...

Đầu tháng 9/2024, các bà: Lưu Thị Thu Hương (quận Hà Đông, Hà Nội), Phí Thị Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đinh Thị Thu Hường (quận Lê Chân, Hải Phòng), phản ánh việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch RAVI (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hành vi chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các bà này được nhân viên của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch RAVI mời đến trụ sở tham dự chương trình giao lưu, du lịch nghỉ dưỡng xanh. Sau khi nghe tư vấn, các bà có tên nêu trên đã ký 3 hợp đồng nghỉ dưỡng với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch RAVI (vào các tháng 4,5,6/2024), và nộp tổng số tiền là hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận lại hợp đồng đã ký và thẻ du lịch nghỉ dưỡng thì các bà phát hiện trong hợp đồng không chỉ không có những quyền lợi như nhân viên đã tư vấn trước đó, mà còn có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng… Sau đó, những người này đã làm đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng và đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Liên quan đến nội dung này, ngày 22/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội có Văn bản số 4019/TB-CSĐT-CSKT với nội dung: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân nhận được đơn đề nghị của các bà Lưu Thị Thu Hương, Phí Thị Thu Hương và Đinh Thị Thu Hường trình báo về việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch RAVI có dấu hiệu chiếm đoạt tiền trong việc ký hợp đồng mua bán gói du lịch nghỉ dưỡng. Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành kiểm tra, xác minh đơn tố giác tội phạm nêu trên. Căn cứ nội dung vụ việc trong đơn, vụ việc nêu trên chỉ là tranh chấp dân sự trong việc thực hiện hợp đồng mua bán gói dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng giữa bà Lưu Thị Thu Hương, Phí Thị Thu Hương và Đinh Thị Thu Hường và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch RAVI. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã hướng dẫn các bà có tên nêu trên làm đơn ra tòa dân sự quận Thanh Xuân để được xem xét giải quyết và kết thúc việc xác minh tin báo tố giác tội phạm.

Trên đây chỉ là 1 trong số các trường hợp người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua. Các hành vi mà người dân phản ánh chủ yếu là: Có dấu hiệu lừa dối khách hàng, vi phạm pháp luật về du lịch; thực tế giao dịch không đúng với thông tin quảng cáo; cung cấp thông tin gian dối; không thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết; áp đặt điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng; việc đặt phòng nghỉ dưỡng và chuyển nhượng hợp đồng hoặc cho thuê lại kỳ nghỉ không thuận lợi...

Rủi ro từ các hợp đồng dịch vụ nghỉ dưỡng ảnh 1
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình "“sở hữu kỳ nghỉ”. Ảnh: NHẬT THANH

Theo Bộ Công thương, trong những năm qua, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đăng tải nhiều thông tin khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít trường hợp người dân tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ phán ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết không giống với thông tin đã quảng cáo, giới thiệu trước đó. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Liên quan đến mô hình kinh doanh dịch vụ nêu trên, mới đây, Bộ Công thương đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng lưu ý trước khi quyết định ký hợp đồng, người mua cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, nhất là cần xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài; nên so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như: Phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng mà không có trong thông tin quảng cáo, chào bán trước đó, không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.