Chi nhánh xăng dầu Kon Tum hiện đang là đơn vị cung ứng xăng, dầu lớn nhất tại tỉnh Kon Tum, chiếm khoảng 60% thị phần. Đơn vị hiện có 29 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trực thuộc, ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, kể cả ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Tu Mơ Rông hay Ia H’Drai. Tổng sức chứa của các cửa hàng trực thuộc Chi nhánh xăng dầu Kon Tum đạt khoảng 2.320 m3, bình quân mỗi ngày cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh từ 130-150 m3 xăng, dầu phục vụ các hoạt động sản xuất, đi lại.
Năm 2021, bình quân mỗi tháng Chi nhánh xăng dầu Kon Tum bán ra khoảng 6.500 m3 xăng, dầu. Tuy nhiên, trong tháng 1/2022, sản lượng bán ra của đơn vị tăng lên 8.000 m3, cho thấy nhu cầu sử dụng xăng, dầu vào mùa khô rất cao. Để phục vụ cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người dân, Chi nhánh xăng dầu Kon Tum đã chỉ đạo các cửa hàng xăng, dầu phải tăng cường bố trí lao động; chấp hành đúng thời gian mở cửa bán hàng; đồng thời theo dõi tồn kho thường xuyên và đăng ký nhập hàng về các phòng dịch vụ để bố trí các phương tiện vận tải kịp thời đưa xăng dầu về cho cửa hàng để luôn duy trì hoạt động.
Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Kon Tum Võ Duy Tuấn, cho biết: “Đơn vị thường xuyên dự trữ khoảng 80% sức chứa, tương đương 1.860 m3, đủ để đơn vị bán ra liên tục khoảng 15 ngày. Chúng tôi sẽ luôn luôn đáp ứng một cách kịp thời, đầy đủ nhu cầu về xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong mọi tình huống”.
Khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô 2022. Vì vậy, nhu cầu sử dụng các phương tiện, máy móc phục vụ cho tưới tiêu của bà con nông dân tăng cao, kéo theo lượng xăng, dầu tiêu thụ lớn hơn.
Nằm tại huyện Đăk Hà, “thủ phủ” cà-phê của tỉnh Kon Tum với khoảng 13.000 ha cà-phê, Cửa hàng xăng, dầu Petrolimex 107 có sức chứa khoảng 100 m3 xăng, dầu nên mỗi ngày, sản lượng bán ra bình quân của cửa hàng này từ 11-13 m3 xăng, dầu. So với những tháng bình thường, sản lượng bán ra của cửa hàng trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng từ 1 đến 2 m3/ngày.
Ông Phan Văn Bảy, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng, dầu Petrolimex 107 cho biết: Cửa hàng luôn bảo đảm duy trì bán 24/24 giờ theo bản đăng ký với Sở Công thương để phục vụ cho nhu cầu của bà con nhân dân; đồng thời cam kết có đủ hàng hóa để phục vụ cho bà con trong mùa tưới cà-phê 2022, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng và đứt hàng.
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum hiện quản lý 23 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại 3 huyện là Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Cả 3 địa phương này đều có địa bàn rộng, diện tích canh tác nông nghiệp lớn nên nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục vụ cho việc tưới tiêu của bà con rất cao. Những ngày này, Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường công tác kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, bảo đảm không để xảy ra tình trạng ngưng bán hàng.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, cho biết: “Trước tình trạng một số nơi khan hiếm nguồn nhiên liệu như hiện nay, Đội Quản lý thị trường số 2 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với các cửa hàng xăng, dầu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn, là những nơi bà con có nhu cầu nhiên liệu cao để phục vụ cho tưới tiêu các loại cây trồng như cà-phê, tiêu và các cây công nghiệp khác”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, đồng thời tuyên truyền cho các cửa hàng chủ trương của các cấp, các ngành, đặc biệt tuân thủ quy định của pháp luật về giờ mở cửa bán hàng. Đến nay, tỉnh Kon Tum chưa phát hiện trường hợp cửa hàng nào vi phạm trong quá trình kinh doanh xăng, dầu, không xuất hiện tình trạng găm hàng, ngừng kinh doanh.