Kon Tum lắng nghe, giải đáp nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp

NDO - Chiều 13/10, tại Hội trường Ngọc Linh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Kon Tum lần thứ 2, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kon Tum ước đạt 11.465 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.963 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán địa phương giao và bằng 141,1% so với cùng kỳ; thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.656,6 tỷ đồng; 280 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.579 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đánh giá, để đạt được kết quả trên có đóng góp vô cùng to lớn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Kon Tum. Các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã nỗ lực hết mình, phấn đấu không ngừng nghỉ, từng bước phục hồi và phát triển hơn nữa để bù đắp lại cho những khó khăn, thiệt hại của đại dịch Covid-19. Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum.

Hội nghị dành thời gian chính để trao đổi, thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tìm hướng tháo gỡ.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH thương mại Đại Lâm Mộc đã trình bày những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp này khi xây dựng và hoàn thiện dây chuyền, trang thiết bị máy móc sản xuất và chế biến đá granite từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn không có nguồn nguyên liệu để đưa nhà máy vào sử dụng.

Theo đại diện doanh nghiệp, tháng 11/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 2614/UBND-KTN gửi Bộ Xây dựng đề nghị Bộ xem xét các vấn đề liên quan đến dự án chế biến sâu, nguồn nguyên liệu quy hoạch của nhà máy sản xuất chế biến đá granite tại Khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum và phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc cấp phép thăm dò, khai thác khu vực đá ốp lát tại thôn 4, xã ĐăkRing, huyện KonPlông cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành 2 công văn đều mang số 2945/UBND-KTN gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng nội dung lại khác nhau. Một công văn giới thiệu 3 công ty đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu mỏ đá ốp lát, còn công văn còn lại giới thiệu đích danh một công ty để liên Bộ cấp phép hoạt động. Đáng chú ý, công ty này vừa thành lập được hơn 1 tháng, chưa xây dựng nhà máy và hiện nay đã không còn theo đuổi dự án này.

Kon Tum lắng nghe, giải đáp nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp ảnh 1
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum phát biểu tại Hội nghị.

Từ việc ban hành một Công văn số 2945 nhưng mang hai nội dung, Công ty Đại Lâm Mộc rơi vào bế tắc, không có nguyên liệu để sản xuất, không phát sinh doanh thu, sống vật vờ nhưng vẫn phải bảo đảm đời sống cho người lao động trong công ty. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đã phát sinh nợ tiền thuê đất đặt nhà máy hơn 400 triệu đồng tại Lô C2A Khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã khởi kiện doanh nghiệp đến Tòa án. Doanh nghiệp không đồng ý với kết luận của Tòa án nhân dân các cấp nên tiếp tục có văn bản đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao xem xét.

Đại diện Công ty Đại Lâm Mộc kiến nghị lãnh đạo tỉnh Kon Tum làm rõ tại sao Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ra văn bản cùng một ngày, cùng một số mà lại mang 2 nội dung khác nhau dẫn đến việc doanh nghiệp phải khốn đốn.

Hiện tại, Kon Tum không có đề xuất quy hoạch mỏ đá granite ốp lát vào quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Như vậy việc tìm nguồn nguyên liệu tại chỗ là không khả thi, doanh nghiệp đề nghị xin chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.

Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có phương án và giải pháp hỗ trợ pháp lý để giúp doanh nghiệp được tiếp tục thuê đất và phát triển sản xuất; tạm hoãn thi hành án để chờ các cơ quan Trung ương có kết luận về bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà đơn vị đang khiếu nại.

Ý kiến với Hội nghị, đại diện Hội doanh nhân trẻ Kon Tum phản ánh nhiều phóng viên, cộng tác viên không thường trú tại địa bàn đến doanh nghiệp, hợp tác xã có mục đích sách nhiễu, đe dọa phát tin bài gây hoang mang, lo lắng. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã phải chi tiền theo yêu cầu của họ. Việc này diễn ra thường xuyên và có tổ chức.

Hội Doanh nhân trẻ Kon Tum đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xem xét, giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh với chức năng, quyền hạn đăng danh sách phóng viên được cơ quan báo chí cử đến hoạt động độc lập tại tỉnh Kon Tum qua cổng thông tin của Sở. Qua đó, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã biết và kịp thời phản ánh tình trạng phóng viên, cộng tác viên không thực hiện đúng quy định Luật Báo chí khi đến làm việc, kịp thời phản ánh tình trạng sách nhiễu, đe dọa đến cơ quan báo chí chủ quản, đến Ủy ban nhân dân tỉnh biết, xử lý theo quy định pháp luật.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh: Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế rất trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết rất lớn của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh Kon Tum.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị các Sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân; thường xuyên quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.