Cơ hội kết nối, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đại diện các bộ, ngành, Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác quốc tế tổ chức đối thoại quốc gia lần thứ hai về hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam: Minh bạch - trách nhiệm - bền vững.

Thu hoạch dưa được trồng thử nghiệm trong nhà lưới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Thu hoạch dưa được trồng thử nghiệm trong nhà lưới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống. Việc này sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em. 

Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2,68% trong năm 2020. Ngoài bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD. Trong sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD.