Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có sự chênh lệch giữa các nước thành viên trong khu vực Eurozone. Chẳng hạn như Tây Ban Nha công bố mức tăng trưởng 0,4% nhờ sự phục hồi của ngành du lịch và kiềm chế giá xăng dầu, giúp giảm lạm phát và tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh của các công ty. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này cũng ở mức thấp nhất kể từ quý 3 năm 2008.
Còn tại Pháp, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (INSEE) công bố mức tăng trưởng 0,5% trong quý II, cao hơn nhiều so với dự kiến, phần lớn là do phục hồi xuất khẩu. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire gọi đây là "một thành tích đáng ghi nhận".
Trong khi đó, nền kinh tế Đức từ tháng 4 đến tháng 6 bị đình trệ, do việc đóng cửa các đường ống dẫn khí đốt của Nga, gây ảnh hưởng đến các công ty sử dụng nhiều năng lượng.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, GDP của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng 2,5%, cao hơn gấp đôi so với khu vực Eurozone, trong khi kinh tế Italia dự kiến sẽ tăng 1,1%. Ngược lại, GDP của Đức có thể bị giảm 0,3%.
Tuy có những dự báo lạc quan của IMF, tình hình kinh tế vẫn chưa sáng sủa, GDP của Italia giảm 0,3% trong quý II, bất chấp kế hoạch phục hồi của châu Âu và phục hồi của ngành du lịch. Nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và sản xuất công nghiệp bị đình trệ.
Nhìn chung, các đợt tăng lãi suất dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2023 có thể gây thêm áp lực lên các nền kinh tế khu vực Eurozone, làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ kinh tế trong những quý tới.