Kinh tế Italia tăng mạnh trong quý II/2022

Bộ Kinh tế Italia ngày 31/7 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2022 đã tăng lên cao hơn mức trung bình năm 2019, bù đắp được sự sụt giảm do đại dịch Covid-19, sau khi đạt mức tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Tốc độ tăng trưởng cao trong quý II/2022 đánh dấu quý thứ sáu liên tiếp nền kinh tế Italia có mức tăng trưởng dương. (Ảnh: Reuters)
Tốc độ tăng trưởng cao trong quý II/2022 đánh dấu quý thứ sáu liên tiếp nền kinh tế Italia có mức tăng trưởng dương. (Ảnh: Reuters)

Nếu so với quý I/2022, nền kinh tế đã tăng 1%. Để so sánh, GDP của Italia trong quý I/2022 chỉ tăng 0,1% so với quý trước đó.

Kết quả tốt hơn mong đợi đã khiến Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 lên 2,6%, tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua.

Tốc độ tăng trưởng cao trong quý II đánh dấu quý thứ sáu liên tiếp nền kinh tế Italia có mức tăng trưởng dương, bắt đầu từ quý I/2021 khi nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 3,4%, cao hơn so với ước tính 2,8% cho cả năm, được công bố vào tháng trước trong triển vọng kinh tế 2022-2023 của ISTAT.

Italia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhờ nhu cầu trong nước, bù đắp cho việc xuất khẩu sang các nước khác giảm nhẹ trong quý II. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phần nào bị ảnh hưởng do giá cả tăng cao.

ISTAT cho biết, tỷ lệ lạm phát tháng 7 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mức tăng lạm phát hàng năm 8% của tháng 6/2022. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát hàng tháng trong tháng 7 vẫn tăng 0,4% so với tháng 6.

ISTAT cho biết chi phí năng lượng cao hơn là động lực chính thúc đẩy việc lạm phát tăng. Vào tháng 7, giá năng lượng cao hơn 42,9% so với tháng7/2021, mặc dù mức tăng đó thấp hơn mức tăng 48,7% của tháng 6. Giá năng lượng bắt đầu tăng vào đầu năm nay do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lạm phát đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ khi Italia gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 1999.

Các lĩnh vực kinh tế khác có mức tăng giá thấp hơn: giá dịch vụ giải trí, văn hóa và chăm sóc cá nhân tăng 4,6% trong tháng 7, trong khi giá thực phẩm chế biến tăng 9,6% và chi phí vận chuyển tăng 8,9%. Tất cả các lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nhiên liệu cao hơn.