Italia thích ứng, hồi phục kinh tế trong đại dịch

Chuyên đề “Chiến lược tái mở cửa, phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19” cung cấp góc nhìn đa chiều, bài học kinh nghiệm của những quốc gia có chỉ số phục hồi kinh tế khả quan trên thế giới, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Vaccine, chính sách phòng chống dịch linh hoạt và công cụ tài chính mạnh bạo được cho là những yếu tố then chốt để nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone có thể thích ứng với Covid-19 cho đến nay sau những tổn thất lịch sử.

Nới lỏng linh hoạt

Tháng 3/2020, Italia từng “gây sốc” với quyết định đóng cửa toàn bộ đất nước hơn 60 triệu dân khi trở thành tâm dịch Covid-19 tồi tệ nhất châu Âu. Số ca mắc mới tăng nhanh chóng khiến hệ thống y tế quá tải dẫn tới số ca tử Covid-19 tăng vọt.

Sau hơn hai tháng phong tỏa đất nước để chống chọi với Covid-19, khi đường cong dịch bệnh phẳng dần, đầu tháng 5/2020, Chính phủ Italia quyết định mở lại dần nền kinh tế dù nhiều cảnh báo mở cửa sớm sẽ gây hậu quả khó lường.

Nền kinh tế được mở cửa từng bước, sản xuất và xây dựng mở cửa trở lại theo các quy tắc an toàn mới như sắp xếp ca làm việc so le, trạm làm việc cách nhau, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang bắt buộc,… Sau đó, các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng, quán cà phê và tiệm làm tóc đã mở cửa trở lại, tiếp theo, các cơ sở thể thao, rạp chiếu phim và rạp hát, du lịch trong nước, nội khối và quốc tế cũng lần lượt mở lại.

Trong bối cảnh gia tăng các ca mắc Covid-19 do các biến thể, Italia đã áp dụng một loạt biện pháp bổ sung như quy định số lượng người tập trung, hạn chế thời gian hoạt động,… nhưng không chọn cách đóng cửa hoàn toàn như đợt đầu bùng dịch.

Từ những kinh nghiệm chống chọi với đại dịch hơn một năm qua, người dân Italia đang tiến tới trạng thái bình thường mới. Bên cạnh một số ít phản đối, hầu hết người Italia đều ủng hộ các biện pháp phòng dịch và chính sách hồi phục kinh tế của chính phủ.

Đặc biệt, học sinh dưới 12 tuổi, đối tượng chưa được tiêm chủng được trở lại trường học với các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cao nhất như: đeo khẩu trang bắt buộc với tất cả người lớn và trẻ em trên 6 tuổi trong trường học; thời gian vào học và tan học khác khác nhau giữa các lớp, và có các quy định cách ly khi lớp học có ca mắc Covid-19.

Các trường học sẽ có các khu vực lối vào và lối ra riêng biệt, và chỉ một phụ huynh được phép đưa, đón con bên ngoài trường học. Khác với nhiều nơi, việc đo nhiệt độ của học sinh tại Italia được thực hiện khi hết ngày học, không phải trước khi vào lớp học.

Trong trường hợp một giáo viên hoặc học sinh dương tính với Covid-19, những người đã tiêm vaccine sẽ được cách ly trong 7 ngày và thời gian cách ly 10 ngày áp dụng với những người chưa tiêm vaccine. Đồng thời tất cả học sinh sẽ chuyển sang học từ xa, và sẽ chỉ được phép trở lại lớp học khi có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. 

Từ năm học 2021, Viện Y tế cấp cao Italia (ISS) thiết kế chương trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong nước bọt cho học sinh dưới 12 tuổi. Trước mắt, việc xét nghiệm sẽ do nhà trường thực hiện nhưng từ tháng 11, các phụ huynh sẽ là người thực hiện xét nghiệm cho con em mình và gửi kết quả tới trường học vào mỗi sáng.

Đợt nới lỏng lệnh phong tỏa vào tháng 5/2020 (Ảnh: REUTERS)

Đợt nới lỏng lệnh phong tỏa vào tháng 5/2020 (Ảnh: REUTERS)

Học sinh được đi học trở lại từ năm ngoái theo dạng hỗn hợp trên lớp và trực tuyến. Từ năm nay, Italia quyết định mở lại tất cả trường học với biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất (Ảnh: REUTERS)

Học sinh được đi học trở lại từ năm ngoái theo dạng hỗn hợp trên lớp và trực tuyến. Từ năm nay, Italia quyết định mở lại tất cả trường học với biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất (Ảnh: REUTERS)

Hệ thống công cụ phòng dịch

Italia là quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ hai ở châu Âu sau Anh, với hơn 130.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 trong tổng số hơn 4,6 triệu ca mắc Covid-19. Để đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới, Chính phủ Italia đã áp dụng một hệ thống biện pháp phòng dịch linh hoạt gắn với tăng tốc tiêm chủng.

Trước hết phải kể tới yếu tố mang tính quyết định là việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 toàn quốc.  Ngoài tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện, các điểm tập trung, nước này còn tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại các khu vực đông người như các bãi biển, bên ngoài các bảo tàng, sân bay,…

Cho đến nay, khoảng 75% dân số từ 12 tuổi trở lên tại Italia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và 68% được tiêm chủng đầy đủ.

Tại cuộc họp báo công bố dữ liệu chính thức chiều 17/9, ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch ISS, nhấn mạnh số ca mắc Covid-19 tại Italia được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) Covid-19 tại Italia đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ mức 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 đồng nghĩ với việc tỷ lệ lây nhiễm đang giảm dần.

Vừa tiêm chủng, giới chức Italia vừa áp dụng phân vùng dịch bệnh theo màu sắc. Biện pháp này không chỉ giúp nhà chức trách điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn giúp du khách nắm được tình hình dịch bệnh và các quy định tại điểm đến để bảo đảm an toàn.

Người dân đi tiêm chủng tại Rome hôm 5/8/2021 (Ảnh: REUTERS)

Người dân đi tiêm chủng tại Rome hôm 5/8/2021 (Ảnh: REUTERS)

Theo đó, các màu sắc được chỉ định - trắng, vàng, cam và đỏ - theo thứ tự mức độ khẩn cấp, dựa trên số ca mắc Covid-19 của khu vực. Nhưng sau điều chỉnh của Thủ tướng nước này vào ngày 22/7, việc phân loại màu sắc hiện được thay đổi hàng tuần dựa trên cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 dân.

Theo cách phân loại này, một khu vực sẽ chuyển thành vùng đỏ khi tỷ lệ mắc Covid-19 hằng tuần tăng trên 150 ca/100.000 dân, tỷ lệ cần sử dụng dịch vụ chăm sóc đặc biệt là 30% và tỷ lệ nhập viện nói chung là 40%.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Venice vắng lặng không một bóng du khách trong những ngày phong tỏa năm 2020 (Ảnh: REUTERS)

Lần đầu tiên trong lịch sử, Venice vắng lặng không một bóng du khách trong những ngày phong tỏa năm 2020 (Ảnh: REUTERS)

Du khách trở lại Venice mùa hè 2021 (Ảnh: REUTERS)

Du khách trở lại Venice mùa hè 2021 (Ảnh: REUTERS)

Item 1 of 2

Lần đầu tiên trong lịch sử, Venice vắng lặng không một bóng du khách trong những ngày phong tỏa năm 2020 (Ảnh: REUTERS)

Lần đầu tiên trong lịch sử, Venice vắng lặng không một bóng du khách trong những ngày phong tỏa năm 2020 (Ảnh: REUTERS)

Du khách trở lại Venice mùa hè 2021 (Ảnh: REUTERS)

Du khách trở lại Venice mùa hè 2021 (Ảnh: REUTERS)

Việc áp dụng thẻ xanh rộng rãi thúc đẩy người dân Italia đi tiêm chủng ngày càng cao (Ảnh: REUTERS)

Việc áp dụng thẻ xanh rộng rãi thúc đẩy người dân Italia đi tiêm chủng ngày càng cao (Ảnh: REUTERS)

Người phụ nữ trình chứng nhận Covid-19 (thẻ xanh) bản giấy tại một ga tàu ở Milan, Italia hôm 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Người phụ nữ trình chứng nhận Covid-19 (thẻ xanh) bản giấy tại một ga tàu ở Milan, Italia hôm 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Cô gái trình chứng nhận Covid-19 (thẻ xanh) điện tử tại một nhà ga ở Milan, Italia hôm 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Cô gái trình chứng nhận Covid-19 (thẻ xanh) điện tử tại một nhà ga ở Milan, Italia hôm 1/9 (Ảnh: REUTERS)

Thêm một bước tiến mạnh hơn để đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng, tạo môi trường an toàn trong làn sóng các biến thể của Covid-19, ngày 16/9, Italia đã trở thành nước đầu tiên trong EU yêu cầu tất cả người lao động ở khu vực công và tư nhân phải có chứng nhận sức khỏe điện tử về Covid-19 (thẻ xanh).

Các quy định mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10, yêu cầu tất cả người lao động khi đến nơi làm việc phải xuất trình thẻ xanh Covid-19. Chứng nhận này cung cấp thông tin tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau mắc Covid-19.

Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc và không được trả lương, dù không bị sa thải. Những người phớt lờ sắc lệnh trên và đi làm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600-1.500 euro (705-1.175 USD).

Trước đó, kể từ ngày 6/8, Chính phủ Italia đã yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ xanh đi kèm với Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số của Liên hiệp châu Âu – để tham dự các sự kiện lớn, dùng bữa trong nhà, đến phòng tập thể dục và nhiều hoạt động khác.

Chính phủ Italia cho rằng, trong tình hình biến chủng Delta lan rộng, việc sử dụng thẻ xanh là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu SWG (Italia) thực hiện, công bố vào tháng 8/2021, trên 50% người Italia ủng hộ việc xuất trình thẻ xanh để kiểm soát các hoạt động khác ngoài việc đi du lịch. Các doanh nghiệp cũng hoan nghênh thẻ xanh là một công cụ để tránh phải áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Công cụ tài chính

Song song với hệ thống công cụ bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, Chính phủ Italia tích cực tung hàng loạt gói cứu trợ cho nền kinh tế để lấy lại đà phục hồi.

Ngay từ tháng 3/2020, Chính phủ Italia thông qua gói khẩn cấp “Cura Italia” trị giá 25 tỷ euro (tương đương với 1,6% GDP). Gói cứu trợ này nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo vệ dân sự; duy trì việc làm và hỗ trợ thu nhập của người lao động bị mất việc và lao động tự do; hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm hoãn thuế và hoãn thanh toán hóa đơn tiện ích ở hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng; hỗ trợ cung cấp tín dụng.

Sau đó 1 tháng, nước này ban hành Nghị định về Thanh khoản cho phép các khoản bảo lãnh bổ sung của nhà nước lên tới 400 tỷ euro (25% GDP). Chương trình này và các chương trình trước đó nhằm mục đích mở ra hơn 750 tỷ euro (gần 50% GDP) thanh khoản cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tháng 5/220, Chính phủ Italia đã thông qua gói "Khởi động lại" thêm 55 tỷ euro (3,5% GDP) của các biện pháp tài khóa.

Sau khi Quốc hội phê duyệt mức chênh lệch thâm hụt 25 tỷ euro (1,6% GDP), tháng 8/2020, Chính phủ Italia thông qua gói hỗ trợ thứ ba nhằm hỗ trợ thu nhập bổ sung cho gia đình và một số công nhân, gia hạn chương trình làm việc ngắn hạn và tạm dừng đóng góp an sinh xã hội cho những người lao động mới, gia hạn thời gian tạm hoãn trả nợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và gia hạn thời gian hoàn trả các nghĩa vụ thuế.

Tiếp tục tháng 10/2020, Chính phủ Italia thông qua gói 5,4 tỷ euro (0,3% GDP) nhằm cung cấp cứu trợ nhanh chóng cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đợt hành động ngăn chặn Covid mới nhất.

Trong tháng 3 và tháng 5/2021, Chính phủ Italia đã phê duyệt các gói hỗ trợ bổ sung với trị giá khoảng 72 tỷ euro nhằm mở rộng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Các biện pháp chính bao gồm bồi thường cho các doanh nghiệp và lao động tự do (tỷ lệ với mức giảm doanh thu năm 2020), và gia hạn lệnh cấm sa thải (đến cuối tháng 6) và các kế hoạch làm việc ngắn hạn.

Cùng với các nguồn ngân sách sẵn có, nước này cũng tiếp cận nguồn tài chính từ Quỹ phục hồi và kháng cự (RRF) hậu Covid-19 của EU. Tháng 6/2021, EU đã duyệt chi 191,5 tỷ euro cho kế hoạch phục hồi kinh tế của Italia. Trong đó gồm 68,9 tỷ euro tiền trợ cấp và 122,6 tỷ euro cho vay trong 6 năm với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số; góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức được xác định trong Khuôn khổ phối hợp chính sách kinh tế trong EU; tăng cường tiềm năng tăng trưởng, tạo việc làm và khả năng phục hồi kinh tế và xã hội,... Nước này đã nhận được khoản tiền đầu tiên trị giá 24,9 tỷ Euro trong số này vào tháng 8 vừa qua.

Các nguồn tin đánh giá rằng những khoản hỗ trợ tài chính trên có thể giúp GDP của Italia tăng tổng cộng 4%, nếu các khoản tiền được giải ngân kịp thời và hiệu quả, trong khi những cải cách cơ cấu được thực hiện đồng thời.

Hiệu quả bước đầu

Covid-19 đã khiến Italia chứng kiến một năm 2020 lao đao với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 8,9%. Cho tới nay, nỗ lực phủ rộng tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng cùng các gói kích thích kinh tế mạnh tay đã phát huy tác dụng.

Báo cáo xuất khẩu năm 2021 được cơ quan tín dụng xuất khẩu SACE công bố ngày 14/9 dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Italia sẽ tăng 11,3% trong năm nay, với kim ngạch trị giá 482 tỷ euro, tiếp tục tăng 5,4% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023, giúp kim ngạch xuất khẩu của nước này có thể đạt mức 550 tỷ euro vào năm 2024.

Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhận xét rằng "nhờ sự phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt là thương mại hàng hóa, Italia đang trên đà phục hồi sau thời kỳ đen tối nhất của đại dịch".

Viện thống kê Quốc gia Italia (ISTAT) ngày 12/9 công bố tỷ lệ việc làm tại Italia trong quý II tăng trở lại. Cụ thể, gần 340.000 việc làm mới đã được tạo ra trong quý II năm nay, tăng 1,5% so với quý đầu tiên.

Xuất khẩu của Italia được dự báo sẽ về mức trước đại dịch trong năm nay. (Ảnh: ANSA)

Xuất khẩu của Italia được dự báo sẽ về mức trước đại dịch trong năm nay. (Ảnh: ANSA)

Động lực chính của tăng trưởng là sự gia tăng của lao động tạm thời, tăng hơn 225.000 người, tương đương 8,3% so với quý đầu tiên.

Số lượng lao động "không hoạt động" từ 15 đến 64 tuổi - những người có thể làm việc nhưng không thể tìm kiếm việc làm - cũng giảm 2,4% trong quý II, tương đương với hơn 335.000 lao động.

Trước đó, hôm 9/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Italia sẽ tăng khoảng 5,9% trong năm 2021 và trở lại mức đã đạt được trong năm 2019 vào nửa đầu năm 2022. OECD cho biết nền kinh tế Italia đang phục hồi ổn định sau cuộc khủng hoảng Covid -19 là nhờ chiến dịch tiêm chủng và các chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của Italia đã giúp hạn chế tình trạng mất việc làm, khó khăn và duy trì sản xuất, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng phá sản.

Du khách trên bãi biển ở đảo Lampedusa, Italia tháng 6/2021 (Ảnh: REUTERS)

Du khách trên bãi biển ở đảo Lampedusa, Italia tháng 6/2021 (Ảnh: REUTERS)

Cũng trong đầu tháng 9, Cơ quan thương mại và du lịch Italia (CAN) công bố kết quả khảo sát cho thấy số lượng người Italia đi du lịch nội địa đạt mức cao kỷ lục với 23 triệu người, tạo đà thúc đẩy vô cùng cần thiết cho các doanh nghiệp du lịch trong tháng 7 và tháng 8. Kết quả “ngoài dự kiến này” là nhờ vào chiến dịch tiêm chủng diện rộng và hiệu quả của thẻ xanh y tế.

Tuy nhiên, giới chức Italia vẫn hết sức thận trọng với đà phục hồi kinh tế hiện nay. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italia Daniele Franco nói, Italia đang trải qua giai đoạn phục hồi mạnh, nhưng lưu ý rằng "có những bất ổn trong triển vọng kinh tế".

Các chuyên gia nước này cũng cảnh báo, khi nguy cơ xuất hiện làn sóng lây lan Covid-19 mới có thể xảy ra (trong mùa thu và mùa đông này, cùng với việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu học sinh), chiến dịch tiêm chủng vẫn là thành tố thiết yếu trong quá trình phục hồi, đồng thời Italia phải sử dụng tất cả các công cụ chính sách kinh tế hiện có để duy trì đà tăng trưởng.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: NGUYỄN TRANG, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: REUTERS, ANSA
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, The Local, ANSA, Viện Thống kê Quốc gia Italia, Viện nghiên cứu SWG, IMF, OECD, website EC