Sức sống mới của nền kinh tế Italia

Nền kinh tế Italia đang chứng kiến tốc độ phục hồi mạnh mẽ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 tăng 6,6% so năm 2020. Sau một thời gian triển khai, chương trình phục hồi kinh tế của Italia cùng các khoản hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, mang đến sức sống mới cho nền kinh tế từng lao đao vì đại dịch Covid-19.

Một khu chợ ở thành phố Naples của Italia. (Ảnh REUTERS)
Một khu chợ ở thành phố Naples của Italia. (Ảnh REUTERS)

Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ chính là "điểm tựa" cho sự tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ nợ trên GDP năm 2021 giảm xuống mức 150,4% so với mức 155,3% của năm 2020. Ngoài ra, năm 2021, thâm hụt hành chính công tính theo GDP của Italia giảm xuống mức 7,2% từ mức 9,6% của năm 2020. Dữ liệu về doanh số bán lẻ cùng các chỉ số khác trong báo cáo của ISTAT cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc.

Đại dịch Covid-19 từng khiến nền kinh tế Italia sụt giảm 8,9% vào năm 2020. Kể từ khi nhận được khoản giải ngân đầu tiên trị giá 25 tỷ euro của EU trong khuôn khổ Quỹ Cơ sở phục hồi và chống đỡ (RRF) vào tháng 8/2021, Italia đã triển khai các dự án phục hồi quan trọng. Kế hoạch phục hồi giai đoạn 2021-2026 tập trung vào sáu ưu tiên chính, trong đó, lĩnh vực cách mạng xanh và chuyển đổi sinh thái đóng vai trò cốt lõi. Cụ thể, trong lĩnh vực này, Italia hướng tới thúc đẩy tái chế chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của các đơn vị công như bệnh viện và trường học, nghiên cứu sử dụng hydro làm nguồn năng lượng thay thế… Năm nhiệm vụ ưu tiên khác gồm: Đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật số của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính công và ngành du lịch; bảo đảm giao thông bền vững; tăng cường hoạt động giáo dục và nghiên cứu; thúc đẩy hòa nhập và gắn kết xã hội; đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khỏe, trong đó có y tế từ xa. Để tiếp sức cho ngành du lịch phục hồi sau đại dịch, Italia mới đây cũng nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ các nước không thuộc EU. Quốc gia châu Âu này cho phép những người có chứng nhận tiêm vắc-xin, đã khỏi Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính nhập cảnh.

Tuy đang trên đà phục hồi nhưng nền kinh tế Italia vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro, thách thức. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine được cảnh báo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi các nước đang chật vật phục hồi từ đại dịch Covid-19, những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine gần đây đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, đồng thời dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu khí đốt, mất điện. Bộ trưởng Ngoại giao Italia gần đây đến Qatar để thảo luận về hợp tác năng lượng giữa hai nước, trong bối cảnh Rome nỗ lực bảo đảm nguồn cung khí đốt mới. Giới chức Italia cho biết, quốc gia này muốn nhanh chóng giảm hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Nga và không phụ thuộc vào nguồn cung của Nga trong vòng 2-3 năm tới. Năm 2021, có tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Italia là đến từ Nga.

Chặng đường phục hồi kinh tế phía trước của Italia vẫn còn nhiều khó khăn. Những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch cùng nguy cơ từ các mối xung đột toàn cầu đòi hỏi giới chức Italia phải luôn sẵn sàng tinh thần chủ động ứng phó để giữ gìn những thành tựu phục hồi kinh tế hiện nay.