Hỗ trợ “xã điểm” về đích nông thôn mới
Sáng tạo ở huyện Chi Lăng là đã thực hiện xoay vòng đầu tư cho “xã điểm”. Các xã được chọn làm điểm đều có xuất phát thấp, thường chỉ đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng phải là địa phương có sự đoàn kết và quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Vận dụng linh hoạt Nghị quyết của tỉnh, với sự theo dõi, hỗ trợ của tỉnh và huyện, các “xã điểm” đều hoàn thành 19/19 tiêu chí, về đích nông thôn mới sớm hơn dự kiến. Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực không chỉ giúp “xã điểm” sớm hoàn thành tiêu chí mà còn giúp địa phương giữ vững, tạo đà xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2024, xã Bằng Hữu được huyện Chi Lăng chọn làm “xã điểm” khi mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong năm, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức của huyện Chi Lăng thường xuyên đồng hành, hỗ trợ xã Bằng Hữu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện kêu gọi nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa như: khu vui chơi, sân vận động, nhà văn hóa, công trình thắp sáng đường thôn… Các tổ chức, đơn vị cũng hỗ trợ nâng cao đời sống người dân qua việc cấp thuốc chữa bệnh, học bổng và vốn vay cho hộ nghèo.
Mới đây, người dân trong xã vui mừng khánh thành hai cây cầu bê-tông kết nối những thôn, bản xa với trung tâm xã. Chỉ vài năm trước, người dân xã Bằng Hữu không nghĩ là địa phương có thể đạt mục tiêu nông thôn mới, vì điều kiện kinh tế - xã hội thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn; không đủ kinh phí đầu tư các thiết chế như: cầu, đường, trường học, nhà văn hóa.
Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng, sự hỗ trợ của các phòng, ban chuyên môn, rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện từng tiêu chí, kịp thời đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xã. Đối với các tiêu chí liên quan đến xây dựng hạ tầng, huyện đã cân đối, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ xã triển khai xây dựng, nâng cấp 7 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 21 tỷ đồng. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai các dự án chăn nuôi ngựa, gia cầm, trồng ớt, hồi với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp doanh nghiệp tổ chức mô hình liên kết trồng cây thuốc lá trên địa bàn xã, diện tích 90 ha, thu hút 145 hộ tham gia.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Bằng Hữu Hoàng Văn Trung, xã đã tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện trong công tác chuẩn bị mặt bằng thực hiện các dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự chung sức của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong năm 2024, nhân dân hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp 420 ngày công lao động và 160 triệu đồng, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, môi trường… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã hỗ trợ kinh phí, vật liệu trị giá khoảng 800 triệu đồng, tạo động lực để xã Bằng Hữu hoàn thành tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Đầu tư trọng tâm trọng điểm, huy động nhiều nguồn lực, trong đó chú trọng phát huy nội lực của từng địa phương là bài học kinh nghiệm mà Huyện ủy rút ra trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở một số địa bàn khó khăn. Huyện Chi Lăng đã vận dụng sáng tạo các điều kiện tại chỗ, với tinh thần đoàn kết vươn lên, giúp một số địa phương rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Thí dụ như các xã Chi Lăng, Thượng Cường và Nhân Lý về đích nông thôn mới năm trước thì năm sau đạt nông thôn mới nâng cao. Xã Chi Lăng của huyện Chi Lăng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của toàn tỉnh.
Mỗi chi bộ giữ vững 2 tiêu chí nông thôn mới
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chi Lăng Lô Minh Hồng cho biết: “Các xã về đích nông thôn mới nhanh, bền vững là kết quả của sự nỗ lực, chung sức, cùng hành động của người dân. Trong đó, vai trò nổi bật của các chi bộ khu dân cư trong vận động, tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân; theo dõi, duy trì các tiêu chí; kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều nguồn theo hình thức xã hội hóa.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Chi Lăng đã cụ thể hóa Nghị quyết số 77 của Tỉnh ủy Lạng Sơn thông qua lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ đăng ký thực hiện ít nhất hai tiêu chí xây dựng nông thôn mới tùy theo điều kiện thực tế và khả năng. Một số chi bộ đăng ký tiêu chí về mở rộng đường giao thông nông thôn, nước sạch hợp vệ sinh, một số chi bộ đăng ký tiêu chí về xóa đói, giảm nghèo… Qua đó, cấp ủy, đảng viên được phân công từng đầu việc cụ thể như vận động tuyên truyền nhân dân hiến đất, góp ngày công… Các chi bộ là cầu nối để nguồn đầu tư của huyện được sử dụng đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và thiết thực, thúc đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
“Với cách làm này, 9 tháng đầu năm 2024, chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Chi Lăng cấp được 1.778 tấn xi-măng và 144 m cống các loại cho các xã, thị trấn; thực hiện bê-tông hóa được 14,3 km đường trục thôn, ngõ xóm, nội đồng; sửa chữa, nạo vét, phát quang 21,5 km kênh, mương; đào đắp 750 m3 hồ, đập. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, hỗ trợ việc thi công các công trình hạ tầng trường học, nhà văn hóa, chợ nông thôn bảo đảm chất lượng. Triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng cảnh quan đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp… Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 14,89 tiêu chí nông thôn mới mỗi xã, tăng 1,33 tiêu chí so với đầu năm 2024.
Dẫn chúng tôi tham quan xã Chi Lăng, xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, Bí thư Đảng ủy Lăng Văn Thạch chia sẻ, từ năm 2022 đến nay, xã Chi Lăng luôn giữ vững 4/4 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay địa phương đang trong quá trình chuyển đổi số, áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật nâng cao đời sống nhân dân. Đảng bộ xã Chi Lăng thực hiện mô hình “mỗi chi bộ giữ vững 2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Thí dụ mô hình “Chi bộ 4 tốt”, “Xây dựng nông thôn mới gắn với học và làm theo gương Bác Hồ” đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng đất nước phồn vinh.
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được cấp ủy chia sẻ đó là, xã Chi Lăng đã tìm ra hướng đi mới nâng cao đời sống nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển từ giáo dục truyền thống văn hóa địa phương, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cấp ủy các cấp thường xuyên trao đổi, hỗ trợ tổ dân phố, hộ gia đình trong duy trì thiết chế văn hóa, phát triển các sản phẩm OCOP, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình “mỗi chi bộ 2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” đã được các chi bộ đảng vận dụng sáng tạo và cần tiếp tục được lan tỏa, góp phần đưa nghị quyết của Đảng sớm vào cuộc sống với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.