Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

NDO - Coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả và có hình thức xử phạt nặng cả về hình sự và kinh tế là cách được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông.

QUY ĐỊNH NỒNG ĐỘ CỒN THEO ĐỐI TƯỢNG


Sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó, các quốc gia trên thế giới đều có quy định rất rõ ràng về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở của người lái xe. Ngoại trừ một số quốc gia áp dụng 1 mức chung cho tất cả, đa số quốc gia đều chia giới hạn nồng độ cồn theo đối tượng: Mức chuẩn, Người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và Người mới lái xe.

Tại châu Âu, điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia hoặc khi vẫn còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở hoàn toàn bị cấm ở bốn quốc gia châu Âu, gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Romania. Các quốc gia khác có quy định nới lỏng hơn hơn một chút với tỷ lệ không được vượt quá 0,2g trên mỗi lít máu, đó là Estonia, Thụy Điển và Ba Lan.

Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng mức cho phép thông thường không vượt quá 0,5g/l. Ở châu Âu, phần lớn các quốc gia đều tôn trọng ngưỡng này, ngoại trừ Vương quốc Anh và Malta. Một số quốc gia đã đưa ra mức quy định nồng độ cồn trong máu thấp hơn đối với những người lái xe có ít kinh nghiệm trên đường (thường là dưới 5 năm).

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 1

Lấy Bỉ làm một ví dụ, nồng độ cồn tối đa trong hơi thở của người sử dụng phương tiện giao thông tại quốc gia châu Âu này được quy định ở mức tối đa 0,21mg/l khí thở ra trong quá trình kiểm tra hơi thở, tương đương với tối đa 0,5 phần nghìn đo được trong máu. Mức đo này cũng áp dụng cho cho cả người mới lái xe và người lái xe trẻ tuổi.

Tuy nhiên, nồng độ cồn đối với người lái xe hành nghề tại Bỉ có nhiều điều chỉnh khác, cụ thể người điểu khiển phương tiện giao thông chuyên nghiệp sẽ bị xử phạt nếu mức đo vượt ngưỡng 0,09mg/l khí thở hoặc 0,2 phần nghìn đo được trong máu. Giới hạn nồng độ cồn ở mức này cũng áp dụng cho cả lái xe tải, xe taxi hoặc xe buýt do có liên quan đến các rủi ro và an toàn đường bộ. Việc điều khiển các loại phương tiện này vẫn phải tuân theo giới hạn nồng độ cồn nghiêm ngặt hơn này. Trong trường hợp tài xế xe tải lái ô-tô con, nồng độ cồn được quy định ở mức tối đa là 0,5 phần nghìn trong máu.

Ngoài Bỉ, nước Pháp cũng có những quy định rất cụ thể trong vấn đề này. Mỗi ly rượu làm tăng nồng độ cồn trung bình từ 0,20g đến 0,25g, thậm chí là 0,30g với người có thể trạng gầy. Do đó, 2 ly rượu là đủ để đạt 0,5g cồn trên một lít máu (tỷ lệ tối đa được phép ở Pháp). Giới hạn nồng độ cồn trong máu được cho phép theo luật năm 2020 là 0,5g/l máu, tương đương với 0,25mg mỗi lít khí thở ra.

Đối với người lái xe trẻ tuổi, hoặc đang trong quá trình học lái hoặc mới lái, nồng độ cồn trong máu được cho phép là 0,2g/l máu hoặc 0,10 mg/l, theo quy định được ban hành từ ngày 1/7/2015.

Tại Pháp, đặc biệt để bảo đảm an toàn cho bất kể ai tham gia giao thông và người đi bộ, người đi xe đạp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, bắt buộc phải tuân theo các quy tắc giống như những người điểu khiển các phương tiện giao thông khác. Do đó, nồng độ cồn trong máu được quy định không vượt quá 0,5g/l máu. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng của với người điều khiển xe đạp, tòa án có thể quyết định áp dụng hình phạt bổ sung như tạm giữ hoặc hủy giấy phép ô-tô, mô-tô như bình thường.

Mỹ, hầu hết các bang đều quy định nồng độ cồn trong máu của tài xế không được vượt quá 0,08%. Nếu nồng độ cồn trong máu cao hơn mức này, người lái xe bị coi là say dù bên ngoài thể hiện hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi bang cũng có những quy định khác nhau.

Cụ thể, hầu hết các bang đều có mức “không khoan nhượng” áp dụng cho một số đối tượng tài xế nhất định. Mức “không khoan nhượng” này đặt ra giới hạn pháp lý với nồng độ cồn trong máu thấp hơn nhiều đối với đối tượng lái xe cụ thể, hầu hết ở mức 0,02%, có bang quy định chặt chẽ là 0%. Thông thường, mức này áp dụng cho những người lái xe tuổi vị thành niên, những người không được phép uống rượu, hoặc có thể áp dụng cho người hành nghề lái xe như tài xế xe buýt và xe tải.

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 2
Chính phủ Nga đã thông qua các quy định mới về kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. (Ảnh: THANH THỂ)

Tại Nga, từ tháng 10/2022, chính phủ Nga đã thông qua các quy định mới về kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực trong 6 năm, tính từ ngày 1/3/2023.

Theo đó, việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện phải được thực hiện với sự có mặt của hai nhân chứng hoặc sử dụng máy quay video. Cơ sở để tiến hành kiểm tra có thể là mùi từ miệng, rối loạn chức năng nói, hành vi không tỉnh táo hoặc nước da thay đổi đột ngột…

Bằng chứng khẳng định tài xế sử dụng cồn khi lái xe là nồng độ cồn vượt quá 0,16mg/lít khí thở. Nếu thiết bị đo hiển thị hơn 0,16mg/l, song lái xe từ chối chấp nhận kết quả kiểm tra, người đó sẽ được đưa đến cơ sở y tế.

Trong trường hợp lái xe từ chối đo nồng độ cồn hoặc không đồng ý kết quả kiểm tra, người này cũng được đưa đến cơ sở y tế. Nếu thiết bị không phát hiện nồng độ cồn vượt mức cho phép, song cảnh sát có đủ lý do cho rằng tài xế say xỉn, thì lái xe cũng được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Các quy định mới không có thay đổi căn bản gì so luật trước đó, vốn được thông qua năm 2008 và được sửa đổi nhiều lần. Lần gần nhất là vào năm 2016.

CÁC QUỐC GIA XỬ PHẠT VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN THẾ NÀO?


Quy định xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn hiện được các quốc gia áp dụng rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Việc xử phạt nghiêm này vừa mang tính răn đe, giáo dục, vừa giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia giao thông an toàn, lành mạnh.

Tại Nga, tháng 7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với việc tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn. Số tiền phạt cũng tăng từ 4.300 USD đến 7.100 USD, thay vì 2.900 USD-4.300 USD, hoặc bằng tiền lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 đến 3 năm, thay vì từ 1 đến 2 năm như trước.

Ngoài ra, hình phạt cũng có thể là lao động cải tạo trong tối đa 2 năm, hạn chế tự do và lao động bắt buộc trong tối đa 3 năm. Người phạm tội cũng bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia hoạt động nhất định với thời hạn lên đến 6 năm.

Theo một số trang tư vấn pháp luật Nga, nếu xảy ra tai nạn giao thông liên quan sử dụng rượu bia, ngay cả khi không ai bị thương, lái xe gây tai nạn trong tình trạng say rượu vẫn sẽ bị xử phạt. Khi cố trốn khỏi hiện trường, tài xế say xỉn sẽ phải nộp phạt, tước bằng lái tới 18 tháng và thậm chí bị bắt giữ hành chính.

Trong trường hợp có nạn nhân trong tai nạn liên quan sử dụng rượu bia, ngoài hình phạt thông thường đối với hành vi say rượu lái xe và tước bằng lái trong một thời gian nhất định, tài xế còn có thể bị phạt tù từ 5 đến 12 năm nếu có 1 người chết, hoặc từ 8 đến 15 năm nếu tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người trở lên.

Trong khi đó tại Anh, một người thậm chí sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tức là chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cũng sẽ bị phạt. (Mức giới hạn tại Anh, xứ Wales và bắc Ireland là 0,8g/l máu hoặc 0,35mg/lít khí thở. Ở Scotland, giới hạn là 0,5g/l máu hoặc 0,22mg/lít khí thở).

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 3
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh: ETSC)

Nước này phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD hay tương đương 75 triệu đồng) và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe hoặc có ý định lái xe sau khi uống rượu bia.

Ở Anh, nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe uống rượu, người lái xe cũng gặp rắc rối lớn, rất khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay đến Mỹ.

Tại Pháp, nếu nồng độ cồn từ 0,5 đến 0,8g/l máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt tiền lên tới 750 euro hoặc phạt cố định 135 euro, bị tước giấy phép lái xe trong 3 năm, mất 6 điểm giấy phép lái xe, bị cấm lái xe nếu không lắp thiết bị theo dõi nồng độ cồn EAD (EAD - thiết bị ngăn xe khởi động nếu nồng độ cồn được ghi lại trong khí thở ra vượt quá ngưỡng cho phép) trong 3 năm.

Trong trường hợp nồng độ cồn trên 0,8g/l máu, người điều khiển phương tiện sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 2 năm tù, bị phạt tiền lên đến 4.500 euro, bị tịch thu phương tiện, bị hủy giấy phép kèm với bị cấm gia hạn tối đa 3 năm, buộc phải tham gia khóa học nâng cao nhận thức về an toàn đường bộ và người vi phạm phải chịu chi phí, bị cấm lái xe không được trang bị thiết bị EAD trong thời gian tối đa là 5 năm, bị trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.

Nếu tái phạm, hành vi vi phạm này có thể bị phạt bằng cách tự động hủy giấy phép lái xe kèm theo lệnh cấm lái xe không được trang bị EAD trong tối đa 3 năm, cũng như bị tịch thu bắt buộc phương tiện vi phạm nếu người vi phạm là chủ sở hữu.

Người vi phạm gây ra tai nạn sẽ bị xử phạt lên tới 150.000 euro và chịu mức án lên đến 10 năm tù.

Tại Mỹ, mỗi bang có một quy định xử phạt khác nhau với lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Nếu nồng độ cồn trong máu ở mức xử phạt tăng cường, lái xe sẽ bị phạt tiền nhiều hơn, thời gian đình chỉ lái xe, thu hồi giấy phép lâu hơn, thời gian bị gắn thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong xe dài hơn, hoặc bị giam giữ/phạt tù lâu hơn.

Thí dụ, tại bang Michigan, nếu nồng độ cồn trong máu trên 0,17% sẽ bị phạt tù lên tới 180 ngày, phạt tiền từ 200 đến 700 USD và bắt buộc phải lắp thiết bị theo dõi nồng độ cồn trong xe. Ngược lại, nếu vi phạm lần đầu với mức thấp hơn 0,17 (cao hơn mức 0.08%) sẽ bị phạt 500 USD, tối đa 93 ngày ngồi tù và treo bằng lái tối đa 180 ngày.

Tại châu Á, hầu hết các quốc gia xử phạt nghiêm khắc tuyệt đối với những lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Có thể kể tới 1 số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 4

Trung Quốc quy định 2 mức xử lý đối với hành vi lái xe có sử dụng rượu bia

Pháp luật Trung Quốc quy định 2 mức xử lý đối với hành vi lái xe có sử dụng rượu bia là: Lái xe khi đã sử dụng rượu bia (nồng độ cồn từ 20mg đến dưới 80mg trong mỗi 100ml máu) và lái xe khi đã say rượu bia (nồng độ cồn từ 80mg trở lên trong mỗi 100ml máu).

Đối với loại hành vi thứ nhất, xử phạt từ 1.000 đến dưới 2.000 nhân dân tệ (từ 3,5 triệu đến dưới 7 triệu đồng), tạm giữ bằng lái 6 tháng. Nếu là lái xe với mục đích kinh doanh, thì bị giam giữ 15 ngày, phạt tiền 5.000 nhân dân tệ (17,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe, không được cấp lại giấy phép lái xe trong vòng 5 năm.

Đối với loại hành vi thứ hai, tước giấy phép lái xe, truy cứu trách nhiệm hình sự (giam giữ từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng), không được cấp lại giấy phép lái xe trong vòng 5 năm. Nếu là lái xe với mục đích kinh doanh, thì bị tước giấy phép lái xe, không được cấp lại giấy phép lái xe trong vòng 10 năm; nếu có được cấp lại giấy phép thì cũng không được điều khiển xe với mục đích kinh doanh.

Hai loại hành vi trên nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tước giấy phép lái xe, cấm lái xe trọn đời.

Nhật Bản có khung hình phạt nghiêm khắc vào loại nhất thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe.

Với nồng độ cồn từ 0,15mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng).

Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế "lái xe trong tình trạng say rượu", người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen (khoảng 200 triệu đồng). Đặc biệt, nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Thậm chí, vì số lượng người đi xe đạp rất lớn, nên ở Nhật, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ô-tô để bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 5

Cảnh sát Hàn Quốc kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh: YONHAP)

Còn tại Hàn Quốc, mặc dù là nước sử dụng nhiều rượu bia, nhưng chỉ 3 ly rượu cũng có thể khiến cho các lái xe phải ngồi tù.

Với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/l khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng) và bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.

Bên cạnh đó, các lỗi chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Nếu không có lý do chính đáng, người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.

Tại Đông Nam Á, Singapore có hệ thống quy định pháp luật rất chặt chẽ, khắt khe và không nhân nhượng với những hành vi lái xe vô trách nhiệm. Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Đối với các hành vi tái phạm nhiều lần, hình phạt cũng sẽ tăng thêm. Singapore phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 đến 10.000 SGD (từ 50-130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.

Quốc gia láng giềng của Singapore là Malaysia thậm chí áp dụng hình phạt răn đe tới cả người thân của tài xế vi phạm nồng độ cồn. Nếu tài xế bị kết tội lái xe say rượu khi phát hiện mức cồn trong máu trên mức cho phép 0,05% và bị tống giam, vợ của người đó cũng có thể bị phạt tù.

Canada

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,08%. Người phạm tội lái xe đã uống rượu lần đầu sẽ bị phạt 1.000 đô la Canada (khoảng hơn 17,8 triệu đồng) và bị đình chỉ Giấy phép lái xe trong thời gian 1 năm.

Những người tái phạm có thể bị phạt đến 18 tháng tù và bị cấm lái xe trong 3 năm.

Australia

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,05%. Người lái xe khi say rượu có thể bị kết tội, phạt tù và bị nêu tên trên báo.

Na Uy

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,02%. Người vi phạm lái xe dưới tác động của rượu lần đầu bị phạt nặng, bao gồm đình chỉ lái xe trong 1 năm cùng bản án lao động công ích trong 3 tuần. Người phạm tội nhiều lần có thể ngồi tù và bị cấm lái xe suốt đời.

KẾT QUẢ TỪ NHỮNG QUY ĐỊNH NGHIÊM KHẮC


Nhờ quy định xử phạt nghiêm khắc, Nhật Bản nằm trong top 10 nước có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thấp nhất thế giới.

Tương tự Nhật Bản, Singapore cũng thuộc 3 nước có ít tai nạn liên quan đến rượu bia nhất thế giới.

Tại Trung Quốc, nhờ những biện pháp xử lý nghiêm khắc, nhất là xử lý hình sự đối với hành vi lái xe trong tình trạng say rượu bia kể từ năm 2011, số lượng các vụ việc liên quan lái xe sau khi sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể. Đơn cử như tỷ lệ lái xe trong tình trạng say rượu bia đã giảm tới trên 70% so thời điểm trước khi áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ảnh 6

Dịch vụ "lái xe hộ" sau sử dụng rượu bia là một biện pháp được người dân Trung Quốc tin dùng. (Ảnh minh họa: ShutterStock)

Đáng chú ý, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân Trung Quốc ngày càng nâng cao, khi đại đa số người dân tự giác lựa chọn dịch vụ "lái xe hộ" sau khi sử dụng rượu bia. Thống kê của các nền tảng trực tuyến cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 200 triệu đơn hàng dịch vụ lái xe thay cho người đã sử dụng rượu bia.

Tai nạn giao thông gây thương vong do hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia đã giảm hàng vạn vụ trong hơn 11 năm qua, trong khi số lượng phương tiện và lái xe tăng gần gấp đôi, cho thấy hiệu quả cũng như sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp xử lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Báo cáo tháng 12/2022 của Hội đồng an toàn giao thông châu Âu (ETSC) cho biết, nhờ các biện pháp xử phạt mạnh tay, số ca tử vong trên đường liên quan tới rượu bia đã giảm 37% trong giai đoạn từ năm 2011 (3.685 ca) đến 2021 (2.260 ca). Trong thời gian này, số ca tử vong trên đường do các nguyên nhân khác giảm 30%.

Nhìn chung ở EU, mỗi năm số ca tử vong do rượu bia đã giảm nhanh hơn 1% so với các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông khác từ năm 2011 đến năm 2021. Ở 16 quốc gia, tốc độ giảm số ca tử vong do rượu bia trên đường bộ đã nhanh hơn mức giảm tổng thể tử vong do các loại tai nạn giao thông khác.

Ở Bulgaria, tử vong do rượu trên đường giảm nhanh hơn 18% so với tất cả các trường hợp tử vong trên đường do nguyên nhân khác trong giai đoạn 2017-2021. Trong thập kỷ qua, Romania (giới hạn nồng độ cồn trong máu là 0,0) ghi nhận mức giảm số ca tử vong trên đường do rượu bia nhanh nhất so với tất cả các trường hợp tử vong trên đường khác (giảm 11%), tiếp theo là Hà Lan và Cộng hòa Síp với mức giảm 8%.

Còn tại Nga, Tổng cục An toàn đường bộ thuộc Bộ Nội vụ Nga cho biết, tháng 12/2022, số vụ tai nạn ở Nga liên quan tài xế say rượu tiếp tục giảm. Trong 11 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 12.779 vụ tai nạn giao thông liên quan người điều khiển phương tiện có dấu hiệu say xỉn, làm 2.921 người chết và hơn 16 nghìn người bị thương. So cùng kỳ năm 2021, các chỉ số giảm lần lượt là 13,8%, 20,6% và 14,8%.

Theo Cơ quan thanh tra giao thông Nga, số vụ tai nạn liên quan tài xế say rượu tiếp tục giảm là nhờ nhiều yếu tố, gồm tăng cường trách nhiệm của lái xe khi say rượu; triển khai công tác toàn diện, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và thanh tra đột kích trên đường; cũng như hoàn thiện phương pháp kiểm tra y tế. Và quan trọng nhất là công tác giáo dục người dân.

“Chúng tôi sử dụng nhiều kênh tương tác để thu hút sự chú ý của càng nhiều người càng tốt về vấn đề lái xe khi say rượu. Sự tham gia của người dân ngày càng tăng là minh chứng công việc hiệu quả. Gần 75% số báo cáo về tài xế có dấu hiệu say rượu đang điều khiển phương tiện đã được phản ánh vào số máy khẩn cấp “102”, thông qua trang mạng chính thức của thanh tra giao thông, hay các tài khoản trên mạng xã hội của các cơ sở giao thông và các kênh thông tin khác. Đây là dấu hiệu cho thấy xã hội đã hình thành thái độ phản đối mạnh mẽ đối với những người vi phạm pháp luật”, Cơ quan thanh tra giao thông Nga nhấn mạnh.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.

Một số kinh nghiệm quốc tế mà một số quốc gia đã áp dụng thành công:

* Coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả và có hình thức xử phạt nặng cả về hình sự và kinh tế, có thể cấm lái xe có thời hạn hoặc cấm lái xe vĩnh viễn với những trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và có tái phạm.

* Lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến với tái phạm (Singapore 2000-10.000 USD và tù 1 năm lần đầu, nếu tái phạm thành 5000-20.000 USD và tù 2 năm) .

* Đa dạng hóa hình thức xử phạt (lao động công ích, học và thi lại…), áp dụng giải pháp bắt buộc dùng thiết bị thử nồng độ cồn trước khi khởi hành (với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng), sử dụng công cụ kinh tế (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới).

* Tổ chức thực thi tốt, và duy trì cưỡng chế thực thi ngay cả khi hành vi này được kéo giảm .

* Bên cạnh các hình thức xử phạt, các quốc gia còn kết hợp cả các chiến dịch truyền thông nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng hiệu quả tập trung thông tin cho người dân về (a) những nguy cơ của việc tham gia giao thông đường bộ không an toàn, (b) luật an toàn đường bộ và các hậu quả (các mức hình phạt) của việc không tuân thủ luật, và (c) thúc đẩy việc áp dụng luật/ tác dụng răn đe chung của các hoạt động cưỡng chế.

back to top