Kiên trì mở rộng diện tích mắc-ca

Trong khi các dự án mắc-ca nói chung gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và đang phải điều chỉnh giảm diện tích, nhiều huyện đã phải kiến nghị dừng triển khai, giảm diện tích mắc-ca thì huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) lại đưa ra quyết định mở rộng diện tích mắc-ca đến 100% xã, với mục tiêu năm 2025 toàn huyện có 8.000 ha mắc-ca, đưa Tuần Giáo trở thành “thủ phủ” mắc-ca của tỉnh...
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên và dân quân tự vệ xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) là lực lượng xung kích trong các đợt ra quân đào hố trồng, chăm sóc cây mắc-ca tại địa bàn.
Đoàn viên, thanh niên và dân quân tự vệ xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) là lực lượng xung kích trong các đợt ra quân đào hố trồng, chăm sóc cây mắc-ca tại địa bàn.

Trước khi đi đến quyết định “táo bạo” ấy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuần Giáo đã nhiều lần họp bàn, lắng nghe ý kiến cán bộ các cấp, nhân dân các địa phương; trực tiếp hai đồng chí đứng đầu huyện là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện còn cam kết gắn trách nhiệm người đứng đầu trong suốt quá trình triển khai.

“Bàn làm chứ không bàn lùi”

Điểm lại khó khăn, rào cản khi bàn bạc lựa chọn mắc-ca là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo cho biết: Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn (109.000 ha), số dân làm nông nghiệp chiếm hơn 88,7% tổng dân số toàn huyện, thế nhưng nền nông nghiệp của huyện lại manh mún, lạc hậu. Thời điểm trước năm 2020 đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bằng các loại cây ăn quả (xoài, mít, bưởi…) được triển khai tại địa bàn. Cùng với đó, có một số doanh nghiệp đã thực hiện dự án trồng cây mắc-ca tại hai xã Quài Cang, Quài Nưa nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Thậm chí giữa người dân vùng dự án và nhà đầu tư mắc-ca còn xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện gây mất niềm tin trong nhân dân và ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

Bởi vậy, bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23, nhiệm kỳ 2021-2025, khi Ban Thường vụ Huyện ủy nêu ý tưởng chọn mắc-ca là cây chủ lực để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã gặp không ít ý kiến hồ nghi, lo ngại. Nhiều người cho rằng khúc mắc trong việc phân chia quyền lợi giữa doanh nghiệp với người dân trồng mắc-ca ở hai xã Quài Cang, Quài Nưa giải quyết chưa xong thì rất khó vận động người dân 16 xã khác thực hiện. Ngay cả khi vận động được người dân 16 xã khác đồng thuận cũng chẳng dễ triển khai, vì địa bàn quá rộng, nguồn nước hạn chế. Rồi hàng chục câu hỏi được đặt ra: “Người đâu đào hố?”, “Người đâu chăm cây?”, “Trồng được cây chắc gì có nước tưới?”...

Cứ như thế, những câu hỏi gửi về các cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuần Giáo ngày càng nhiều hơn, cấp độ khó càng lớn hơn. Song với quyêt tâm chính trị cao nhất là tập trung “bàn làm chứ không bàn lùi”, tất thảy các câu hỏi, ý kiến đề đạt đều được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện lắng nghe, giải đáp với căn cứ, dữ liệu bằng cơ sở khoa học. Chỉ rõ các lợi ích, giá trị vượt trội từ cây mắc-ca, đó là loài cây lâm nghiệp có tuổi thọ hàng trăm năm vừa có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây ngô, cây sắn, tại các cuộc họp Ban Thường vụ, đồng chí Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo còn khẳng định, lựa chọn cây mắc-ca là phù hợp với quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Điện Biên sẽ có 100.000 ha cây mắc-ca, từ đó Điện Biên trở thành tỉnh có diện tích mắc-ca lớn nhất trong cả nước và trở thành thủ phủ mắc-ca của thế giới. Trước đó, Đề án phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 đã xác định Điện Biên, Lai Châu là vùng trọng điểm phát triển mắc-ca của cả nước...

Vào cuộc bằng hành động cụ thể

Bắt tay thực hiện chương trình, theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ cuối năm 2022 các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn huyện về từng xã, bản gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; nhiều đồng chí còn bỏ tiền cá nhân mua hạt mắc-ca đem cho người dân ăn thử. Chiến dịch truyền thông về cây mắc-ca có 100 thành viên là các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban và cán bộ cốt lõi, tâm huyết thuộc các xã đã thực hiện gần 120 buổi tuyên truyền lợi ích, giá trị, cách trồng, chăm sóc cây mắc-ca tại 86 địa điểm cho 12.000 hộ dân thuộc 18 xã trong huyện.

Đồng chí Đỗ Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tuần Giáo cho biết: Là thành viên tổ tuyên truyền, vận động, phòng đã chỉ đạo thành lập 18 tổ tuyên truyền (mỗi tổ đóng tại một xã; gồm trường học các cấp trong địa bàn), thành viên cốt cán các tổ là ban giám hiệu các trường. Theo địa bàn phụ trách, các trường phân công mỗi thầy, cô giáo phụ trách từ bốn đến năm hộ gia đình từ lúc tuyên truyền, vận động đăng ký đến khi người dân hoàn thành đào hố, trồng cây và chăm sóc cây ra quả. Ngoài tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, 1.800 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Tuần Giáo còn góp hơn 9.000 ngày công hỗ trợ các hộ gia đình đào 4.500 hố trồng cây và cùng nhân dân chăm sóc 30.000 cây mắc-ca.

Cũng trực tiếp đi tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mắc-ca, ông Là Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo thừa nhận rằng, khó khăn vô cùng bởi từ xưa tới nay người dân tộc Kháng, H’Mông ở địa phương chỉ quen trồng ngô, lúa nương, nuôi con lợn, con gà nên khi nghe nói về cây mắc-ca thì bà con hờ hững lắm! Nhưng không quản ngại, không kể thời gian, cứ mỗi khi nghe tin có người dân ở nhà là tôi cùng các đồng chí địa chính, Đoàn Thanh niên xã và các thầy, cô giáo lại đem theo cây mắc-ca giống và máy tính xách tay về từng nhà chiếu video để bà con xem. Với những người không biết tiếng phổ thông thì bên cạnh máy tính phải có thêm người đứng cạnh phiên dịch để bà con hiểu. Làm như thế từng buổi, từng tuần dần dà bà con hiểu; người hiểu nhiều lại giảng giải cho người hiểu ít; người cùng nhà nói lại với người cùng nhà về giá trị cây mắc-ca. Kết quả là năm 2023, xã Rạng Đông trồng mới 47 ha cây mắc-ca; năm 2024, bà con đăng ký trồng 175 ha.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 2.800 hộ dân trồng được 1.692 ha cây mắc-ca; tỷ lệ cây sống, bật trồi đạt hơn 98%. Tuy nhiên, chưa kịp vui với kết quả bước đầu thì ông trời lại gieo thử thách trong mùa khô xuyên năm 2023 và 2024 bằng các đợt nắng nóng gay gắt khiến một số cây mắc-ca non nớt mới trồng bị chết và nguy cơ chết hàng loạt. Trước tình huống cấp bách ấy, các đồng chí: Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy; Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã trực tiếp về từng xã gặp mặt 2.800 hộ dân trồng mắc-ca để tuyên truyền, động viên nhân dân nỗ lực, cố gắng. Cam kết đồng hành, chỉ đạo các lực lượng, nhân dân chung sức cứu cây, đích thân các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện còn tìm nguồn hỗ trợ mua can, dây nhựa, phi nhựa để nhân dân chở nước tưới cây. “Cuối mỗi ngày, đồng chí Chủ tịch huyện Lê Xuân Cảnh còn về xã hỏi thăm bà con từng bản đã chở nước tưới cho bao nhiêu cây trong ngày. Thấy lãnh đạo huyện vào cuộc sát sao, quyết liệt như vậy, nhân dân càng thêm tin tưởng. Bà con đã nói sẽ nỗ lực, quyết tâm đi theo con đường mà huyện đã chọn” - ông Lò Văn Thiểm, bản Phung, xã Quài Cang vui vẻ cho biết.

Thành quả là niềm tin nhân dân

Tiếp nối kinh nghiệm, cách làm và quan trọng hơn cả là quyết tâm của những người đứng đầu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo khi đã cam kết “nói đi đôi với làm”, kiên định với chủ trương phát triển mắc-ca, chuẩn bị cho mùa trồng mắc-ca năm 2024 thì ngay từ tháng 10/2023 toàn huyện Tuần Giáo đã có 5.500 hộ dân đăng ký trồng 3.360 ha. Ngay khi các xã chốt danh sách đăng ký, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện có một chiến dịch ra quân đào hố rầm rộ được triển khai trong khí thế hăng say theo phong trào “người người đào hố”, “nhà nhà đào hố”. Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024, toàn bộ hội viên nữ ở xã Rạng Đông đã hào hứng tham gia hội thi đào hố trồng mắc-ca thay cho lễ kỷ niệm với hoa, với quà ở nhà văn hóa. Phong trào thi đua do các phòng, ban huyện và các xã phát động trong dịp này cũng xoay quanh chủ đề trồng, chăm sóc mắc-ca; sáng kiến tăng năng suất, giảm sức lao động do Liên đoàn Lao động huyện, nhân dân các xã đề xuất cũng hướng đến phục vụ đào hồ, tưới nước cho cây. Cứ như thế, phong trào trồng, chăm sóc mắc-ca đã “lớn” dần lên, thân thuộc với mỗi người dân huyện Tuần Giáo như là hơi thở, như cơm ăn nước uống mỗi ngày.

Tại Ngày hội trồng cây mắc-ca do huyện Tuần Giáo tổ chức vừa qua, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện vui mừng cho biết, đến cuối tháng 4/2024, Tuần Giáo đã hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị cho mùa trồng mắc-ca năm 2024 với khối lượng công việc khổng lồ, là: 79 dự án sản xuất đã được phê duyệt; nhân dân hoàn thành đào 600.000 hố có tổng khối lượng đất đào lên tới 300.000 m3 (tương đương với khối lượng đất đắp của đập thủy lợi hồ Pa Khoang); hoàn thành vận chuyển, tập kết 600.000 cây giống và 7.500 tấn phân tại huyện để sẵn sàng trồng cây trên địa bàn 18 xã.

Kết thúc mùa trồng mới năm 2024, toàn huyện Tuần Giáo sẽ có hơn 6.000 ha mắc-ca (trong đó 5.052 ha là của người dân). Với diện tích này thì Tuần Giáo sẽ vượt huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) để trở thành huyện có diện tích mắc-ca lớn nhất trong cả nước.

Tất cả những kết quả nêu trên sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Tuần Giáo phát triển bền vững, trở thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng các nhà máy chế biến mắc-ca, cà-phê... lớn nhất trong tỉnh và trong nước…