Kiên trì chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

NDO -

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn nặng nề trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội kiến nghị nên kiên trì chính sách khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 8/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 8/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Cân nhắc các giải pháp thu ngân sách

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, các đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Liên quan chính sách thu ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt vấn đề, trong Báo cáo số 38 của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế. Theo đại biểu, cần hết sức cân nhắc giải pháp trên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu lý do, việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo.

Căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua, trong chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như là một giải pháp hữu hiệu. Nhiều ý kiến cũng đề xuất trong năm 2022 tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn giảm thuế.

Chính vì vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, tại thời điểm hiện nay, nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đại biểu, đây là giải pháp cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu.

Cần thiết ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo

Ghi nhận các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhận định, việc tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đang rất kỳ vọng và mong đợi.

Kiên trì chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu -0
Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh thảo luận tại hội trường. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Để hoàn thiện chương trình, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ khi “đầu tàu” khỏe mạnh thì mới đủ sức kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển ổn định, bền vững, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Vân cũng lưu ý, nếu như gói hỗ trợ này được ban hành thì cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4%, kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009, có quy mô lên tới 1 tỷ USD cách đây 12 năm, đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu, mà nhiều năm sau đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thì những khó khăn này mới dần được giải quyết.

Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần có một bộ phận hoặc có tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, bảo đảm các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích.

Đại biểu cũng đề xuất ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng là hộ kinh doanh, trong đó có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng đối với đối tượng này gắn với chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế

Kiên trì chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu -0

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 8/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư trong bối cảnh sức chống chịu của nền kinh tế đã rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đang bị suy kiệt sau 4 tháng cách ly nghiêm ngặt phòng, chống dịch vừa qua.

Theo đó, kinh tế Việt Nam đã rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý II xuống âm 6,17% ở quý III, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải đóng cửa sau mỗi tháng và hàng nghìn người lao động mất việc làm phải rời bỏ về quê hương.

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng.

Đại biểu đề xuất tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo hướng cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát, đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.

Đại biểu nêu ý kiến, nếu ngân sách dành ra khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi.

Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng" trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán, đại biểu kiến nghị.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV