Kiến tạo môi trường đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng

Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 vừa qua là một mốc son cho những kết quả đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thành phố trong chặng đường qua. Để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, thành phố đã và đang nỗ lực giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên tìm hiểu công nghệ vi mạch bán dẫn tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024.
Sinh viên tìm hiểu công nghệ vi mạch bán dẫn tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024.

Hiệu quả bước đầu

Những hành động cụ thể, quyết liệt với một tinh thần rốt ráo, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong phát triển vi mạch bán dẫn vẫn luôn là một ấn tượng sâu sắc đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với động lực đó, Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch gồm bảy chi nhánh doanh nghiệp FDI như: Synopsys, Marvell, Uniquify,... và ba doanh nghiệp Việt Nam là FPT Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronics.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong nước và nước ngoài để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thành phố.

Kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn hiện nay của thành phố không chỉ mở ra những cơ hội phát triển trong tương lai mà còn đem lại những hiệu quả tức thì trên nhiều phương diện. Hiệu quả rõ nét nhất là trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, góp phần sớm hình thành thị trường lao động chất lượng cao.

Theo đó, Công ty Synopsys đã tài trợ tài liệu giảng dạy và công cụ thiết kế cho lớp đào tạo 25 giảng viên nguồn của thành phố do Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp các viện, trường đại học tổ chức; đồng thời, tư vấn và hỗ trợ thành phố tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên tại Học viện Sicada (đơn vị hợp tác của Synopsys tại Đài Loan).

Ngoài ra còn có khóa đào tạo ngắn hạn thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản cho hơn 40 giảng viên và sinh viên của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với sự hỗ trợ của NIC, Tổ chức Tresemi, Tập đoàn FPT,... và khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA cho hơn 25 học viên của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng với sự hỗ trợ của NIC, Quỹ châu Á và Công ty Acronics. Qua những khóa học này, giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu và đào tạo về vi mạch bán dẫn tại thành phố đã được nâng cao năng lực chuyên môn.

Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, hiện số lượng nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố là khoảng 600 kỹ sư thiết kế vi mạch. Thống kê cho thấy, tại 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch trên địa bàn thành phố có khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và các trường đại học khác tại Đà Nẵng.

Thực tế nhu cầu tuyển dụng từ 10 công ty thiết kế vi mạch hiện đang hoạt động đạt khoảng 15 đến 20% hằng năm. Nhìn chung, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã góp phần phát triển chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng số lượng kỹ sư thông qua nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mình; đồng thời, đóng vai trò là động lực quan trọng trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thành phố hiện nay.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Trong giai đoạn 2024-2027, Đà Nẵng xác định ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực, gắn với thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược và các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã đề ra một số chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược và doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn, nhằm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trên địa bàn phát triển.

Nổi bật trong đó là nhà đầu tư chiến lược được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đối tác chiến lược được Hội đồng nhân dân thành phố quyết định cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; doanh nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Đây là những hành động cụ thể cho cam kết chính trị mạnh mẽ của thành phố dành cho các nhà đầu tư vi mạch bán dẫn trong nước và nước ngoài khi đến với thành phố.

Tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, Đà Nẵng cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, ưu tiên nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng; sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 vào thực tế để triển khai vào đầu năm 2025; hoàn thành mục tiêu đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030.

"Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền thành phố là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng", ông Phương nói.

Mục tiêu đến năm 2030 của Đà Nẵng là thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ một đến hai doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, "Trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào ba hướng đột phá, đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng".