Sẵn sàng đón đầu tư ngành bán dẫn

Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp chúng ta tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Hiện, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng sẵn sàng cho các dự án đầu tư công nghệ cao. Ảnh: HẢI NAM
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng sẵn sàng cho các dự án đầu tư công nghệ cao. Ảnh: HẢI NAM

Cuối tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2030), thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực.

Đã đến lúc được quyền chọn FDI

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết tháng 10, thu hút FDI của Việt Nam đạt hơn 27 tỷ USD, vốn đăng ký điều chỉnh tăng gần 42%. Dự kiến Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024.

Với kết quả này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, năm 2024 có thể là một năm thành công trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam và Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một trong "cuộc đua" bán dẫn.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Trong số này, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron. Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.

Về tổng thể bối cảnh thu hút FDI chung, đại diện VAFIE cho rằng, chúng ta đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.

Tuy nhiên, khu vực FDI thời gian qua còn bộc lộ những bất cập tồn tại nhất định, đặc biệt là tình trạng tiêu cực, "lợi bất cập hại" trong thu hút nguồn vốn này. Đó là, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ "những khoản lợi nhuận khổng lồ".

Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thật sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện nay, có khoảng 68,5% số doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.

Do đó, để thực hiện tốt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, theo vị chuyên gia: "Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói "không" với những dự án FDI không đạt yêu cầu, không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Bởi đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Khi không còn phải cạnh tranh với những "ông lớn" nước ngoài có nhiều ưu đãi, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Sẵn sàng đón đầu tư ngành bán dẫn ảnh 1

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: PHẠM HÙNG

Việt Nam đã sẵn sàng

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Đó là, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng" có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học - công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghệ cao. Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực. Do đó, Việt Nam cũng đang là một "khách hàng, đối tác" lớn của các tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Meta, Amazone với thị phần không ngừng mở rộng.

Ngoài ra, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Thông qua việc mở rộng quan hệ với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, chúng ta đã và đang thực hiện phương châm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau", luôn đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để từng bước khẳng định được vị trí trong bản đồ bán dẫn thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ông Dũng cũng cho hay, mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

"Chính phủ Việt Nam đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn", ông Dũng nói và cho biết thêm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung…

Tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới quyết định đầu tư tại Việt Nam, như Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo...