Đa số các ý kiến đều đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại kỳ họp thứ 4.
Xử lý chênh lệch địa tô, giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích
Theo các đại biểu Quốc hội, một trong những trọng tâm của việc sửa đổi Luật Đất đai là cần tập trung xử lý được vấn đề chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đại biểu cho biết, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ, sau đó, chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần. Chính điều này tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.
Do vậy, đại biểu đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) và một số đại biểu khác nêu rõ: Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, mục đích quốc phòng an ninh phải bảo đảm tính thật cần thiết, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất, làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
Một số đại biểu nhấn mạnh, đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, cần phân định rõ trường hợp nào được Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào chỉ cần nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Đồng thời, cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất nhằm bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.
Nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý và đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Theo đó, các đại biểu cho rằng: Quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ, xác định thế nào để không bị thất thoát là rất khó.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác nêu ý kiến, giá đất luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý nhà nước thời gian vừa qua, có tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội của quốc gia cũng như của các địa phương.
Trong quá trình thực hiện các quy hoạch, quy định của pháp luật, trình tự và phương pháp thực hiện định giá đất còn có nhiều bất cập, vướng mắc, mâu thuẫn, bất hợp lý. Việc định giá đất còn mang tính định tính, không tách bạch. Cùng một loại đất có điều kiện hạ tầng cũng như điều kiện kinh tế, xã hội như nhau lại có giá đất khác nhau.
Từ thực tế đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung, sửa đổi nguyên tắc định giá đất theo các tiêu chí phân loại: Đất đai gắn với quyền sử dụng đất là hàng hóa cần phải tính toán theo cơ chế thị trường. Đất đai gắn với quyền sử dụng đất là tư liệu sản xuất phải tính toán theo khung giá đất để bảo đảm ổn định, công bằng, thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất. Tuyệt đối không định giá đất theo quy mô diện tích, nội dung dự án đầu tư.
Một số đại biểu cho rằng, việc xác định giá đất phải bảo đảm tính khách quan, công bằng. Đồng thời cần quy định thông tin qua điều tra, khảo sát thực tế bảo đảm giá đất sát với thị trường. Đề nghị, Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn các nội dung về thông tin giá đất việc xác định giá đất khi chưa có thông tin dữ liệu quốc gia thì thực hiện thông qua điều tra, khảo sát.
Quy định về tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa
Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và các đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi đã quy định theo hướng mở hơn Luật Đất đai hiện hành về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Việc mở rộng đối tượng như trong dự thảo là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cân nhắc quy định, điều kiện đối với các tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, cần quy định tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, phát huy hiệu quả phù hợp kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, dự thảo Luật quy định cá nhân sử dụng đất nông nghiệp chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp huyện cho cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Cho rằng quy định này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp pháp luật về quyền dân sự, quyền cư trú..., đại biểu chỉ rõ, thực tế chưa hẳn việc chuyển đổi đất trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện là gần và thuận lợi. Mặt khác, quy định này có thể cản trở hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, như: không liền canh, liền cư. Do đó, nên đề xuất cho phép khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Quan tâm đến nội dung quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) và một số đại biểu cho rằng, lúa gạo là cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, nên quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã.
Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu. Vì vậy, cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế; quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác để làm cơ sở quan trọng cho các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước.
Đồng thời, bổ sung một số tiêu chí, như: không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp; có báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của dự án, gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng...
Cho ý kiến về việc sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, các đại biểu cho rằng vấn đề này còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều công ty nông, lâm nghiệp không sản xuất, hoặc sản xuất kém hiệu quả, khiến đất đai bị lấn chiếm, lãng phí. Đất nông, lâm trường thường là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống chung quanh.
Đồng bào có tập quán sống ở đâu thì sản xuất ở đó, tuy nhiên, hiện nay còn thiếu đất sản xuất. Dự thảo Luật có quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sẽ bàn giao lại cho địa phương và ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định vào dự thảo Luật sửa đổi về nội dung thu hồi đất nông, lâm trường, kể cả đất đã giao, cho thuê nhưng các đơn vị không sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông, lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Thực tế, việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bị chậm 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch được gọi là quy hoạch treo.
Việc này không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, mà còn khiến đời sống của nhân dân bị đảo lộn, rơi vào tình thế “đi không được mà ở cũng không xong”.
Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể trong bao lâu, họ được hưởng quyền lợi gì trong khu vực quy hoạch. Đề nghị bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 62 do tầm nhìn chỉ mang tính dự báo, có thể chính xác hoặc không. Đây là một trong những tác nhân của quy hoạch treo.
Đại biểu TÔ VĂN TÁM (Kon Tum)
Dự thảo Luật quy định về giá đất còn rất chung chung, như: phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ phương pháp trình tự thủ tục đất đai... Ở đây là những nguyên tắc và phương pháp cụ thể nào cho chính xác? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần có những quy định chặt chẽ về các nguyên tắc căn cứ, phương pháp định giá đất đối với từng đoạn, từng loại đất; những vấn đề khác có thể giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ khả thi hơn.
Đại biểu TAO VĂN GIÓT (Lai Châu)