Kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

NDO -

Tại hội thảo, các ý kiến cũng kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo.

Trong những năm qua, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đặt ra ngay từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Đây là các giải pháp trọng tâm để tập trung nguồn lực của Nhà nước vào các lĩnh vực trọng điểm, có tính chất nền móng cho sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tạo động lực cho các DNNN phát triển.

Tại hội thảo này, các bộ, ban, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã bàn thảo khá kỹ về những kết quả tích cực, thách thức, rào cản, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình cổ phần hóa DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị những giải pháp thiết thực, hiệu quả, khách quan nhằm đẩy nhanh quá trình này, qua đó góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chủ trương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN của Đảng và Nhà nước đề ra trong giai đoạn tới.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đổi mới, tái cơ cấu DNNN là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Trong những năm vừa qua, việc cơ cấu lại DNNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, đã có 185 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 490.332 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng; lũy kế tổng số thoái vốn đạt 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng.

Đến nay, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động.

Đặc biệt, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN, sắp xếp, xử lý tài sản công trong thời gian qua đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 Nghị định, 3 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định, các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không đạt được kế hoạch đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa bảo đảm tính kịp thời còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế.

Nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa quan tâm, quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo các DNNN rà soát, xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... Rõ ràng, cần tạo thêm nhiều sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu...  

Tại Hội thảo, các cơ quan đại diện chủ sở hữu; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đã kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ban, ngành nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, các ý kiến cũng kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.