Trong phiên họp chiều 23/5 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Số vốn còn lại chưa phân bổ của Chương trình phục hồi là 14.151,685 tỷ đồng
Theo báo cáo, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) là 161.848,315 tỷ đồng.
Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng, trong đó 13.369,468 tỷ đồng của 45 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023 theo đúng quy định.
273 tỷ đồng của dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận chưa thể phê duyệt chủ trương đầu tư do vướng mắc về quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Còn 509,217 tỷ đồng không thực hiện phân bổ do đến hết thời gian quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư , không phân bổ hết số vốn được thông báo.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đề cập nguyên nhân chậm phân bổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, hoặc phải điều chỉnh dự án, gây chậm trễ đến tiến độ phân bổ vốn.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, phê duyệt dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất, yếu tố kỹ thuật phức tạp, phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia, thẩm quyền và thủ tục để phân cấp cho địa phương quản lý các dự án (đường bộ cao tốc, quốc lộ),…
Ở một số nơi, năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.
Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án, nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thời gian tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án.
Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; có hình thức xử lý thích hợp đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình phân bổ vốn.
Điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và Chương trình phục hồi là cấp thiết
Đánh giá về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng.
Phần lớn các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã yêu cầu hoàn thành việc giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022, 2023. Đồng thời, tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2023 phải đạt tối thiểu 90%.
Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Quốc hội đặt ra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.
Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ giao kế hoạch vốn 13.369,468 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023; cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án của tỉnh Ninh Thuận với số vốn là 273 tỷ đồng; không thực hiện phân bổ số vốn còn lại là 509,217 tỷ đồng.
Đồng thời, cho phép các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.
Mục tiêu là để bố trí cho dự án hoàn thành, chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; dự án trọng điểm, liên kết vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023 nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trong năm 2023.
Trong trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết nghị, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong các năm 2024, 2025 để bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.